Thông tin trên được PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48, diễn ra ở Đại học Y Dược TPHCM.
Nhiều ca nhiễm nấm đen tử vong, nguy kịch
PGS Đỗ Duy Cường cho biết, những tháng gần đây Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị cho một số trường hợp nhiễm nấm đen Mucormycosis . Trong đó, có 2 bệnh nhân đã tử vong, 1 trường hợp đang điều trị tích cực và chưa biết kéo dài đến khi nào.
Đáng chú ý, cả 2 ca tử vong đều là các bệnh nhân "hậu Covid-19".
PGS Đỗ Duy Cường báo cáo về bệnh nấm đen tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48 (Ảnh: Hoàng Lê).
Trường hợp đầu tiên là người đàn ông 64 tuổi (quê Nam Định), có tiền sử đái tháo đường nhiều năm, nhập viện trong tình trạng sưng đau mặt phải, mất thị lực mắt phải. Trước đó 24 ngày, bệnh nhân phát hiện nhiễm Covid-19 và tự điều trị khỏi bệnh.
Sau khi chẩn đoán viêm xoang hàm cấp, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu và xác định bệnh nhân bị hoại tử đen niêm mạc xoang hàm, cánh mũi. Bệnh nhân được cắt lọc toàn bộ vùng hoại tử, lấy tổ chức xương và niêm mạc xoang hàm làm giải phẫu bệnh, cấy nấm. Kết quả sinh thiết cho thấy người đàn ông nhiễm nấm đen Mucormycosis.
Sau 6 tuần điều trị liên tục, bệnh nhân tử vong vì suy kiệt kéo dài và sốc nhiễm khuẩn sau tạo hình hàm mặt.
Trường hợp thứ hai là người đàn ông 59 tuổi (quê Hà Tĩnh), mới phát hiện đái tháo đường nhưng không điều trị.
2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân test nhanh Covid-19 dương tính và tự điều trị. Sau đó, bệnh nhân bị sưng đau vùng mặt nhiều kèm sốt, đau đầu. Khi vào đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã sưng nề toàn bộ mặt lan đến vùng cổ, mắt trái sưng lồi, không có phản xạ ánh sáng.
Trường hợp bệnh nhân bị sưng lồi mắt, hoại tử xoang hàm nặng, sau đó tử vong (Ảnh chụp màn hình: Hoàng Lê).
Phía Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn toàn viện, chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm xương hàm do nhiễm Mucormycosis.
Quá trình mổ, bệnh nhân được cắt lọc hoại tử từ răng đến xoang hàm, lấy bỏ áp-xe răng và sàn dưới hốc mắt, mở sọ giảm áp. Hậu phẫu, bệnh nhân hôn mê sâu, phù não nhiều, thoát vị não phải thở máy.
Bệnh nhân được gia đình xin về, sau đó tử vong.
94% tử vong nếu xâm lấn vào não
PGS Đỗ Duy Cường chia sẻ, Mucormycosis (còn gọi là Zygomycosis) là bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do nấm mốc Mucormycetes gây ra. Nấm này sống trong khắp môi trường như đất, các chất hữu cơ thối rữa (lá, phân trộn, gỗ mục nát…).
Có 2 đường để nấm vào cơ thể là hít phải bào tử nấm trong môi trường (nhiễm trùng phổi, xoang) và qua da (vết cắt, trầy xước, vết bỏng…).
Nhiễm trùng Mucormycosis thường xảy ra ở người suy giảm miễn dịch, đái tháo đường (đặc biệt là nhiễm toan ceton) hoặc dùng thuốc có corticoid. Ngoài ra, người bệnh ung thư, cấy ghép tạng, ghép tế bào gốc, quá tải sắt, tiêm chích ma túy, sinh non và nhẹ cân (đối với trẻ nhiễm trùng đường tiêu hóa)… cũng là yếu tố nguy cơ gây nhiễm Mucormycosis.
Nhiễm Mucormycosis ở xoang - mắt - não (Ảnh chụp màn hình: Hoàng Lê).
Thống kê cho thấy, trên bình diện toàn cầu, tỷ lệ nhiễm Mucormycosis dao động từ 0,005 đến 17/1.000.000 dân.
Đặc biệt, Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao nhất thế giới, gấp hơn 80 lần so với các nước phát triển. Năm 2021, nước này từng báo cáo hơn 9.000 ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng nhiễm Covid-19. Tình trạng nhiễm nấm thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi Covid-19. 80% trong số này cần phẫu thuật và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 94% nếu xâm lấn vào não.
5 dạng bệnh nấm đen
Theo PGS Cường, nhiều báo cáo trên thế giới cho thấy tần suất bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gia tăng có liên quan đến Covid-19.
Thống kê về đặc điểm các ca Mucormycosis tại Ấn Độ trong đại dịch cho thấy, 78% trường hợp là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, 76% bệnh nhân từng nhiễm Covid-19, nhiều trường hợp có tổn thương xoang, mắt, phổi và trên 30% tử vong.
Trước đó, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chia sẻ, chỉ trong 2 tháng gần đây nơi này đã tiếp nhận đến 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng. Trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 6 ca xin về.
Bệnh nhân hoại tử xương nặng "hậu Covid-19", điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
PGS.TS.BS Trần Minh Trường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin thêm, tính từ tháng 5/2021, thế giới đã có 80 bài báo cáo đăng tải những vấn đề tương tự, cho thấy có mối liên hệ giữa Covid-19 và bệnh cốt tủy viêm xương do nhiễm nấm.
Về cơ chế bệnh sinh nhiễm nấm đen trên bệnh nhân Covid-19, PGS Cường cho biết, người nhiễm thường là những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, phải dùng thuốc có corticoid, sau khi có những cơn tăng đường huyết nhưng không kiểm soát tốt, tăng thải sắt, giảm bạch cầu, toan chuyển hóa…
Có 5 dạng lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm nấm đen Mucormycosis.
Thứ nhất là nhiễm trùng xoang và não, phổ biến nhất ở người đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận. Ở dạng này bệnh nhân sẽ bị sốt (44%), viêm loét hoặc hoại tử mũi (38%), sưng mắt hoặc sưng mặt (34%).
30% bệnh nhân bị giảm thị lực hoặc mù. Bệnh nhân còn có thể bị tổn thương dây thần kinh số 5. Nếu nhiễm trùng lan từ xoang cầu sang xoang hang kế cận có thể dẫn đến liệt dây thần kinh sọ, huyết khối trong xoang.
Bệnh nhân nhiễm Mucormycosis, điều trị bằng thuốc kháng nấm Amphotericin B nhiều tuần (Ảnh chụp màn hình: Hoàng Lê).
Thứ hai là viêm phổi, gặp ở bệnh nhân ung thư, người cấy ghép nội tạng hoặc ghép tế bào gốc. Triệu chứng thường gặp nhất là sốt và ho ra máu, tổn thương đặc trưng là nhồi máu và hoại tử, gây áp-xe phổi.
Thứ ba là nhiễm trùng đường tiêu hóa, gặp ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh và nhẹ cân, người dùng kháng sinh, phẫu thuật hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Thứ tư, nhiễm Mucormycosis gây nhiễm trùng da và niêm mạc, xảy ra sau khi phẫu thuật, bị bỏng hoặc chấn thương da khác. Đây là dạng phổ biến nhất ở người không bị suy giảm miễn dịch.
Cuối cùng là dạng nhiễm Mucormycosis lan tỏa, thường gặp nhất ở não, ngoài ra là lách, tim và da.
Về xử trí, bệnh nhiễm nấm đen phải điều trị kết hợp ngoại khoa, thời gian điều trị kéo dài và dùng nhiều thuốc chống nấm lựa chọn (như Amphotericin B, ABLC, Posaconazone…) nên tạo ra gánh nặng lớn về chi phí.
Bệnh nhân Covid-19 có thể nhiễm những loại nấm nào?
Một chuyên gia về Vi sinh - Ký sinh trùng cho biết, nấm họ Mucor (gây bệnh Mucormycosis) có thể gặp trong không khí. Với người bình thường khi hít hay nuốt vào, nấm sẽ bị tế bào bạch cầu "bắt" lại. Nhưng với những người suy giảm miễn dịch, như mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm Covid-19 nặng… nấm có thể vượt qua hàng rào bảo vệ trên và xâm nhập vào phổi hay mạch máu, gây tắc mạch, hoại tử.
Theo Đại diện Bộ môn Vi sinh - Ký sinh, khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, đến thời điểm hiện tại, các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 do nơi này tiến hành nuôi cấy chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Mucormycosis, nhưng đã phát hiện tình trạng nhiễm nấm Candida. Loại nấm này có thể gây ra nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não...
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, dùng thuốc chứa corticoid kéo dài, sau nhiễm Covid-19 nếu thấy có triệu chứng ở phổi hoặc sốt kéo dài, có tổn thương xoang hàm mặt, mắt cần đến bệnh viện kiểm tra để được phát hiện bệnh và can thiệp phù hợp.