TTO - Các bác sĩ nhận thấy cả 3 trường hợp này đều nhiễm nấm Mucormycosis chủ yếu gây tổn thương hàm mặt trên người có bệnh lý đái tháo đường, có thể sau khi mắc COVID-19.
- Bốn nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương hàm mặt hậu COVID-19
- Bộ Y tế: Đề nghị báo cáo ca bệnh hoại tử xương hàm mặt, tránh gây hoang mang dư luận
- Sở Y tế TP.HCM thành lập hội đồng chuyên môn 'giải mã' bệnh hoại tử xương hàm sau mắc COVID-19
PGS.TS. Đỗ Duy Cường (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) báo cáo tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48 diễn ra tại TP.HCM - Ảnh: H.LÊ
Tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48 diễn ra tại TP.HCM mới đây, PGS.TS. Đỗ Duy Cường (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã báo cáo về chùm ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis, gây tổn thương hàm mặt được bệnh viện điều trị trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý có hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi và có tiền sử mắc COVID-19.
Trường hợp thứ nhất là người đàn ông 64 tuổi (Nam Định), có tiền sử đái tháo đường nhiều năm. Ông nhập viện trong tình trạng sưng nề mặt bên phải, mất thị lực mắt phải. Trước đó 24 ngày, bệnh nhân phát hiện mắc COVID-19 và tự điều trị khỏi bệnh.
Sau chẩn đoán, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu và xác định bệnh nhân bị hoại tử đen niêm mạc xoang hàm, cánh mũi. Bệnh nhân được cắt lọc toàn bộ vùng hoại tử, lấy tổ chức xương và niêm mạc xoang hàm. Kết quả sinh thiết cho thấy người đàn ông nhiễm nấm đen Mucormycosis.
Sau 6 tuần điều trị liên tục, bệnh nhân tử vong vì suy kiệt kéo dài và sốc nhiễm khuẩn sau tạo hình hàm mặt.
Trường hợp thứ hai cùng là người đàn ông 59 tuổi (Hà Tĩnh). Bệnh nhân có tiền sử phát hiện đái tháo đường nhưng không điều trị, đồng thời có biểu hiện bị sưng đau vùng mặt, kèm sốt, đau đầu. Vào 2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân mắc COVID-19 và tự điều trị.
Khi vào đến Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ mặt của bệnh nhân đã sưng nề và lan đến vùng cổ, mắt trái sưng lồi, không có phản xạ ánh sáng. Bệnh viện đã hội chẩn toàn viện, chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm xương hàm do nhiễm Mucormycosis.
Quá trình mổ, bệnh nhân được cắt lọc hoại tử từ răng đến xoang hàm, lấy bỏ áp-xe răng và sàn dưới hốc mắt, mở sọ giảm áp. Hậu phẫu, bệnh nhân hôn mê sâu, phù não nhiều, thoát vị não phải thở máy. Bệnh nhân được gia đình xin về, sau đó tử vong.
Ngoài 2 trường hợp trên, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận bà N.T.T. (72 tuổi) trong tình trạng viêm xoang hàm cấp trên, chưa ghi nhận nhiễm COVID-19 nhưng có tiền sử đái tháo đường không kiểm soát tốt.
Bệnh nhân được mổ cấp cứu, giải phẫu bệnh cho kết quả tổn thương do nhiễm Mucormycosis. Sau phẫu thuật , bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng nấm liên tục 3 tuần. Hiện tình trạng bệnh nhân có cải thiện nhưng chưa rõ thời gian điều trị kéo dài bao lâu.
Sau 3 ca bệnh, các bác sĩ nhận thấy, nấm Mucormycosis chủ yếu gây tổn thương hàm mặt trên người có bệnh lý đái tháo đường, có thể sau khi mắc COVID-19. Tất cả bệnh nhân đều đến khám đầu tiên ở chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt.
'Hoại tử xương hàm mặt là bệnh lý ít gặp, không phải bệnh lạ'
TTO - Đây là kết luận của hội đồng chuyên môn với hơn 16 chuyên gia hàng đầu về răng hàm mặt của TP.HCM, Hà Nội sau cuộc họp xác định nguyên nhân gây ra bệnh hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau nhiễm COVID-19.
XUÂN MAI