Trang Chủ > Sức khỏe > Nguyên nhân gây nên tình trạng khô họng

Nguyên nhân gây nên tình trạng khô họng

VnExpress
10/08/2022 08:58:41

Khô họng là hiện tượng thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa. Cổ họng khô được biểu hiện bằng cảm giác cộm hoặc ngứa ở cổ họng. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng.

Ngủ há miệng

Nếu một người ngủ gật với miệng mở, họ có thể thức dậy với cổ họng khô. Điều này cũng xảy ra cho những đối tượng thường xuyên thở bằng miệng khi họ đang ngủ. Bởi khi miệng mở, không khí sẽ làm khô nước bọt; từ đó khiến cổ họng, miệng có cảm giác khô khốc khi thức dậy. Ngoài khô cổ họng, người ngủ há miệng cũng gặp phải tình trạng hôi miệng.

Hướng điều trị: Người có thói quen ngủ há miệng hoặc ngáy nên kê gối cao đầu để hạn chế việc há miệng, khiến quá trình thở bằng mũi trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng khô miệng.

Mất nước

Tình trạng mất nước thường xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ mức nước cần thiết trong một ngày. Khi một người bị mất nước, họ có thể bị khô cổ họng kèm theo dấu hiệu khác như cảm thấy rất khát, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt hoặc thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi.

Hướng điều trị: Khi nhận thấy cơ thể bị mất nước, chúng ta nên nhanh chóng bù đắp cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước hoặc các thức uống khác để tăng lượng nước tiểu, giúp chúng có màu nhạt hơn. Tránh uống rượu, cà phê, các thức uống chứa caffein trong lúc khát vì chúng có thể khiến tình trạng mất nước thêm trầm trọng hơn.

Cảm lạnh

Cổ họng khô có thể là một triệu chứng của cảm lạnh. Đây là bệnh nhiễm trùng do các loại virus khác nhau gây ra. Theo CDC Mỹ, trung bình một người trưởng thành sẽ có khoảng 2-3 lần mắc bệnh cảm lạnh trong một năm. Cảm lạnh có thể làm cổ họng bị khô, ngứa hoặc đau. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, sốt nhẹ, nhức mỏi cơ thể.

Nguyên nhân gây nên tình trạng khô họng-1

Tình trạng khô cổ họng thường phổ biến khi thời tiết thay đổi. Ảnh: Freepik

Bệnh cúm

Khô, ngứa hoặc đau họng có thể là triệu chứng của bệnh cúm. Đây là bệnh về đường hô hấp do virus cúm gây ra. Theo CDC Mỹ, các triệu chứng cúm thường xuất hiện sau cơ thể đã tiếp xúc với virus cúm sau hai ngày. Các chuyên gia cho biết, bệnh cúm thường nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường. Do đó, người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường, có chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng kèm cấp nước đầy đủ.

Hướng điều trị: Bệnh cảm lạnh và bệnh cúm thường có cùng cách điều trị. Khi mắc phải một trong hai bệnh này, người bệnh có thể giảm các triệu chứng bằng cách bổ sung nước cho cơ thể, nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, mỗi người nên xây dựng thói quen súc miệng bằng nước muối để làm dịu cổ họng đang bị khô.

Bệnh bạch cầu đơn nhân

Bệnh bạch cầu đơn nhân thường xảy ra khi người bệnh nhiễm phải virus Epstein-Barr. Đây là bệnh lây truyền qua đường nước bọt, do đó chúng có tên khác là "bệnh hôn". Những người bị bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng thường bị sốt cao, sưng hạch, đau họng và cổ họng luôn trong tình trạng khô, ngứa. Theo các cuộc nghiên cứu cho thấy, bệnh bạch càu đơn nhân sẽ kéo dài 2-4 tuần. Nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Hướng điều trị: Người mắc bệnh bạch cầu đơn nhân nên nghỉ ngơi nhiều. Nếu thường bị sốt, có cảm giác nhức mỏi cơ thể hay đau đầu, người bệnh hạ sốt và giảm đau, đồng thời súc miệng để giúp làm dịu cổ họng.

Trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng là triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Nó khiến người bệnh có cảm giác nóng rát ở ngực hoặc bụng. Tình trạng này xảy ra khi axit ở dạ dày đi lên ống dẫn thức ăn vào miệng; từ đó gây nên cảm giác rát, khô cổ họng.

Hướng điều trị: Bên cạnh thuốc kháng axit, các chuyên gia y tế khuyên người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên duy trì cân nặng hợp lý. Trong chế độ ăn hằng ngày, người bệnh nên hạn chế món cay, béo hoặc các thức uống chứa nhiều caffeine. Vì những thực phẩm này có thể làm tăng triệu chứng trào ngược. Ngoài ra, người bệnh nên tập thói quen ngừng hút thuốc lá để tránh làm giảm trương lực của van giữ axit trong dạ dày.

Viêm họng hạt

Viêm họng hạt là một trong những thể lâm sàng của viêm họng mạn tính. Đây là bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn streptococcus pyogenes. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus sẽ gây ho, đau rát, vướng nghẹn, khô họng, xuất hiện các hạt lympho tăng sản ở thành sau họng. Bệnh lý này dai dẳng, dễ tái phát, khó để điều trị dứt điểm.

Hướng điều trị: Vì bệnh viêm họng hạt là một dạng bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh để điều trị viêm họng. Với các triệu chứng, người bệnh có thể làm thuyên giảm chúng bằng cách súc miệng, ngậm viên ngậm.

Dị ứng

Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, có khoảng 30 - 40% dân số trên thế giới gặp phải tình trạng dị ứng theo mùa. Theo các nhà khoa học, bệnh dị ứng thường tái phát khi người bệnh gặp phải các chất kích thích phản ứng dị ứng trong không khí và môi trường sống. Các yếu tố kích hoạt tình trạng dị ứng gồm: phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng hoặc do nguồn thực phẩm...

Đối với một người bị dị ứng theo mùa, những chất gây dị ứng trên sẽ khiến hệ thống miễn dịch của họ giải phóng một chất hóa học gọi là histamine. Phản ứng này gây nên những cơn ho, khô họng, nghẹt mũi, cảm giác ngứa ran hoặc nổi mẩn đỏ.

Hướng điều trị: Nếu bị khô họng do dị ứng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn, thuốc xịt mũi/thông mũi để kiểm soát các cơn dị ứng. Ngoài ra, người bệnh cũng nên áp dụng liệu pháp miễn dịch bằng cách tăng dần mức độ tiếp xúc với chất gây dị ứng để giúp hệ thống miễn dịch trở nên dung nạp chúng và giảm các triệu chứng dị ứng trong tương lai. Một số các loại thực vật cung cấp đặc tính chống viêm cho cơ thể là gừng, tỏi, hành tây.

Theo Medical News Today, hầu hết các nguyên nhân gây khô họng thường không quá nghiêm trọng và có thể suy giảm bằng biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh không chủ quan, nên đến bệnh viện nếu nhận thấy dấu hiệu khô họng kéo dài hơn 2 tuần kèm các tình trạng sau như: khó nuốt, khàn giọng, thở khò khè, khó thở, phát ban, tức ngực, sốt cao trên 38 độ C.

Huyền My (Theo Medical News Today, Healthline )