Trang Chủ > Sức khỏe > Người bị gout nên ăn cá ngừ không?

Người bị gout nên ăn cá ngừ không?

VnExpress
15/07/2022 09:01:05

Các nghiên cứu đã chứng minh người bị bệnh gout nếu sử dụng nhiều thực phẩm chứa purines có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến các đợt bùng phát bệnh gout. Purines là các hợp chất hóa học bị phân hủy để tạo thành axit uric. Lượng purin dư thừa kết hợp với việc đào thải axit uric qua thận không hiệu quả có thể khiến axit uric tích tụ trong máu. Sự tích tụ này gây ra các cơn gout và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận và hội chứng chuyển hóa.

Purines được tìm thấy trong mọi tế bào trong cơ thể và trong hầu hết trong các loại thực phẩm. Cá ngừ và các loại cá nước lạnh khác tốt cho sức khỏe, nhưng lại có lượng purin tương đối cao. Tuy nhiên, cá ngừ không hoàn toàn là thực phẩm "tối kỵ" mà người bị gout cần loại bỏ khỏi thực đơn. Theo các chuyên gia, những người bị bệnh gout hoặc có nguy cơ mắc bệnh gout vẫn có thể ăn cá ngừ nhưng ở mức độ thấp và tiêu thụ có chừng mực.

Người bị gout nên ăn cá ngừ không?-1

Cá ngừ chứa hàm lượng purin cao. Ảnh: Freepik

Tổ chức Viêm khớp Mỹ cho rằng cá ngừ tác động đến nồng độ axit uric và gây ra các đợt bùng phát bệnh gout, nên người bị gout và có nguy cơ mắc bệnh này chỉ nên ăn các loại cá nước lạnh như cá ngừ, cá hồi, trai, sò điệp, mực, tôm, sò, cua và tôm hùm... 1-2 lần trong tháng và ăn với lượng vừa phải.

Ngoài ra, để không bỏ qua nguồn dinh dưỡng giàu protein ít chất béo, ít carb từ cá ngừ và yên tâm không lo các đợt bùng phát gout, người bệnh nên lưu ý cách chế biến, và lựa chọn các sản phẩm sản xuất từ cá ngừ.

Cá ngừ đóng hộp : Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đã liệt kê các loại cá chứa nhiều axit béo omega-3 (như DHA và EPA), trong đó cá ngừ đóng hộp là một trong 10 siêu thực phẩm hàng đầu. Cá ngừ đóng hộp cũng là một nguồn protein nạc và cung cấp canxi, phốt pho, kali , kẽm, vitamin B, folate, sắt, selen và choline.

Lợi ích sức khỏe của việc ăn cá ngừ bao gồm ngăn ngừa thiếu máu, giảm nguy cơ mất trí nhớ và hỗ trợ lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Tuy nhiên, cá ngừ đóng hộp có chứa hàm lượng purine cao, do vậy người bị gout nếu ăn cá ngừ đóng hộp nên chọn loại có vị nhạt, bao gồm cá ngừ vằn. Người bệnh có thể tiêu thụ 2-3 phần ăn mỗi tuần, một phần khoảng 114 g, hoặc kích thước bằng lòng bàn tay.

Cá ngừ tươi: Cá ngừ tươi chứa lượng purin cao hơn cá ngừ đóng hộp. Người bị gout chỉ nên tiêu thụ cá ngừ tươi một lần mỗi tuần.

Ngoài ra, cách chế biến cá ngừ cũng ảnh hưởng đến hàm lượng purine. Một nghiên cứu kéo dài 3 năm đã chỉ ra rằng ăn cá ngừ sống và nướng, bao gồm cả sashimi và sushi, có nguy cơ tăng axit uric máu cao hơn. Trong khi đó ăn cá ngừ chiên hoặc luộc sẽ có lượng purin thấp hơn.

Khi chế biến cá ngừ tươi hoặc cá ngừ đóng hộp, người bị bệnh gout nên chọn các loại dầu thực vật giàu đặc tính chống viêm, chẳng hạn như dầu ôliu nguyên chất, dầu bơ và dầu hạt gai dầu. Những người bị bệnh gout cũng được khuyến cáo nên tránh các loại thực phẩm chiên giòn và duy trì chế độ ăn ít carb. Khi nấu cá ngừ nên để lửa nhỏ hoặc chiên nhanh tránh đánh nát.

Anh Chi (Theo V ery Well Health)

Chọn giày phù hợp cho người viêm khớp

Thực phẩm nên ăn và nên kiêng khi bị gout