Phần lớn trẻ nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp.
Trẻ nhập viện gia tăng
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương, cho thấy gần 1 tháng qua, số lượng bệnh nhi vào điều trị tăng cao so với những tháng trước đó. Trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 4.000 -5.000 bệnh nhi. Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết…
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn với lượng bệnh nhân tăng đột biến, tăng 200% so với 2 tháng trước. Được biết, tại cơ sở y tế này ghi nhận khá nhiều bệnh nhi bị viêm phổi nặng do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Đồng thời, số trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hoá, tay chân miệng, cúm A,…cũng gia tăng.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai số trẻ tới khám bệnh cũng rất đáng báo động, tăng từ 2 tới 3 lần bình thường. “Nhiều bệnh nhi vào viện với các triệu chứng về đường hô hấp, đường tiêu hóa. Trung bình mỗi ngày một bác sĩ khám khoảng 50 bệnh nhi” – TS. BS Nguyễn Thị Mai Hoàn - Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi trung ương chia sẻ.
Tại bệnh viện Nhi trung ương, chị Bùi Thu Thủy (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, những ngày gần đây con gái 3 tuổi của chị thường xuyên ho, nhiều đờm, sổ mũi, sốt cao nên gia đình đã đưa đến bệnh viện thăm khám. Tại đây cháu được chẩn đoán viêm phế quản kèm viêm phổi nên phải nhập viện điều trị.
“Bình thường sức đề kháng của cháu cũng kém, thường xuyên ho, sổ mũi. Tuy nhiên lần này thời tiết thay đổi, nắng nóng khắc nghiệt nên khi cháu sốt cao gia đình đưa đi viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời”.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm này trẻ nhập viện chủ yếu là do các bệnh lý về đường hô hấp và đường tiêu hóa. Nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm, nên dễ mắc bệnh.
BS Nguyễn Thị Mai Hoàn khuyến cáo, cha mẹ nếu thấy trẻ có biểu hiện như sốt cao từ 2 ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy thì cần đưa đến khám tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở là những dấu hiệu phải đưa đến bệnh viện gấp. Chuyên gia nhi khoa cũng nhấn mạnh, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho con trước khi đến bệnh viện khám, được bác sỹ tư vấn, chỉ định. Việc làm này có thể vô tình khiến trẻ không được khám chữa bệnh kịp thời, thậm chí còn gây thêm nhiều hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe của bệnh nhi.
Đề phòng nguy cơ tăng huyết áp
Đang chăm sóc mẹ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Phạm Tiến Dũng (Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Mẹ tôi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm nay. Những ngày qua nắng nóng khắc nghiệt, bà cụ không ăn uống được gì, người yếu dần rồi hôn mê. Tới viện, các bác sĩ chẩn đoán bà cụ hôn mê do hạ đường huyết”.
Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị C. (80 tuổi, Hà Nội) nhập Bệnh viện Lão khoa trung ương vì tai biến mạch máu não, may mắn do được gia đình phát hiện và đưa vào viện kịp thời trong “thời gian vàng” để điều trị nên sức khỏe bà đã có những tiến triển tốt.
Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, trong đợt nắng nóng này bệnh nhân vào viện tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3. Trong đó, bệnh nhân bị đột quỵ chiếm 30-40% số bệnh nhân nhập viện.
“Trời nắng nóng gay gắt khiến người già uống nước kém, cộng với mồ hôi ra nhiều làm mất nước. Mặt khác, nguyên nhân gây viêm phổi là do nhiều người sử dụng điều hòa nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với môi trường bên ngoài, khi ra vào dẫn đến thay đổi môi trường đột ngột” – BS. Trần Đình Thắng, Bệnh viện Lão khoa trung ương lý giải.
Không chỉ ảnh hưởng tới người già và trẻ nhỏ, bất cứ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ sốc nhiệt trong thời tiết hiện nay, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời. Nguy hiểm hơn, đa phần người trẻ tuổi cho rằng sốc nhiệt là một bệnh không quá nghiêm trọng. Thực tế, quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, sốc nhiệt có thể gây tổn thương cho não, các cơ quan nội tạng trong cơ thể, đột quỵ và thậm chí là tử vong.
Bởi vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh có thể gặp trong những ngày thời tiết nắng nóng, người dân nên hạn chế ngoài đường hoặc làm việc ngoài trời nắng gay gắt. Nếu bắt buộc phải ra đường, hoặc làm việc ngoài trời nắng nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nắng.
Để tránh mất nước và rối loạn điện giải, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; Tránh ra vào phòng điều hòa đột ngột gây sốc nhiệt...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng vừa qua, đặc biệt tại Hà Nội với nhiệt độ cao nhất phổ biến trên 39 độ C, số người già và trẻ em nhập viện tăng cao. Đáng chú ý, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết bệnh nhân ở thể nhẹ, chưa có trường hợp tử vong.