Trang Chủ > Sức khỏe > Nắng nóng kéo dài, tắt nắng có thể cho trẻ ra ngoài chơi?

Nắng nóng kéo dài, tắt nắng có thể cho trẻ ra ngoài chơi?

Infonet
28/06/2022 17:07:28

Mất nước do nóng

Một trong những ảnh hưởng rất dễ nhận biết khi nhiệt độ môi trường tăng cao là tình trạng mất nước do sự tăng tiết mồ hôi qua da và sự mất nước qua hơi thở. Trẻ mải chơi có thể làm tình trạng mất nước trầm trọng hơn. Biểu hiện là trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt.

Nắng nóng kéo dài, tắt nắng có thể cho trẻ ra ngoài chơi?-1

Nắng nóng kéo dài, tắt nắng có thể cho trẻ ra ngoài chơi?

Một số biểu hiện của mất nước:

- Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu.

- Khóc không có nước mắt.

- Trẻ quấy khóc, khó chịu.

- Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi.

Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: Mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.

Nếu nghi ngờ trẻ bị thiếu nước, người lớn cần chuyển trẻ vào nơi thoáng mát, cho uống nước. Nếu trẻ không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp tại cơ sở y tế.

Chuột rút do nóng

Là tình trạng đau cơ hay co cứng cơ, thường xuất hiện ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân, khi vận động quá mức trong thời tiết nóng.

Trẻ hay vã mồ hôi nhiều khi hoạt động mạnh dễ bị chuột rút dạng này. Ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối, hàm lượng muối thấp trong cơ khiến cơ co rút đau đớn. Chuột rút do nóng cũng có thể là biểu hiện của kiệt sức do nóng.

Xử trí khi trẻ bị chuột rút:

- Ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát.

- Uống nhiều nước.

- Ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức hay say nắng.

Tìm trợ giúp y tế nếu tình trạng không cải thiện sau một giờ.

Nghiêm trọng hơn trẻ em có thể bị say nắng hoặc sốc nhiệt

Nguyên nhân trẻ say nắng thường do cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, dẫn đến nhiều rối loạn ở các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.

Trung tâm điều nhiệt ở trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh nên đáp ứng với tình trạng tăng thân nhiệt chưa được hoàn chỉnh, khiến trẻ rất dễ bị say nắng khi cơ thể phải phơi nắng quá lâu.

Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong. Những dấu hiệu gợi ý sau đây báo hiệu trẻ đang bị say nắng:

- Mệt mỏi, mắt lờ đờ.

- Cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt tăng cao

- Trẻ đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.

- Trẻ có giác buồn nôn, ói mửa.

- Một số trẻ có thể bị ngất xỉu.

- Nhịp thở yếu, nhanh.

- Mạch nhanh yếu, khó bắt, hoặc thậm chí không bắt được mạch.

- Trường hợp say nắng nặng, trẻ sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật.

Xử lý:

Say nắng là tình trạng cấp cứu, có thể dẫn tới tử vong. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nêu trên, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ.

-  Chuyển trẻ tới khu vực râm mát.

-  Nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ, ví dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người…

-  Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Một số biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời tiết nóng nực

-  Cần tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.

-  Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời.

-  Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời

-  Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng

-  Uống đủ nước. Tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

BS Đinh Thế Tiến

Bệnh viện đa khoa Đức Giang