Mắt cá
,
mụn cóc
và chai chân ở lòng bàn chân thường gặp khiến bệnh nhân khó chịu là gây đau khi đi lại. Trên thực tế lâm sàng, nhiều trường hợp bệnh nhập viện do người bệnh xử trí không đúng như: dùng hương nhang để châm vào vị trí tổn thương, dùng bấm móng tay khoét sâu vào tổn thương… Kết quả dẫn tới làm lan rộng tổn thương hoặc tổn thương bị nhiễm trùng, không những không giúp cải thiện triệu chứng mà còn làm nặng hơn tình trạng ban đầu.
Mắt cá chân, mụn cóc và chai chân ở bàn chân giống và khác nhau như nào?
- Mụn cóc
Mụn cóc lòng bàn chân còn được gọi là hạt cơm lòng bàn chân do virus sinh u nhú có tên HPV gây nên. Do da ở lòng bàn chân dày và chịu lực tì đè thường xuyên nên tổn thương mụn cóc ở vị trí này có khuynh hướng lún sâu vào da chứ không nổi gờ lên như các vị trí khác trong cơ thể.
Đặc điểm nhận diện tổn thương này là bề mặt có các chấm đen nhỏ là các điểm tắt mạch của các nhú bì trong da và tổn thương có thể lây lan nhanh trong thời gian ngắn làm tăng số lượng tổn thương từ một tổn thương ban đầu.
- Mắt cá chân
Bệnh mắt cá chân là một tổn thương dày sừng khu trú ở lòng bàn chân. Vị trí bệnh gặp ở những chỗ tỳ đè dễ bị sang chấn như mười đầu ngón chân, gót chân, mặt lưng của các đốt 1, khớp 1 các ngón chân. Ngoài ra mắt cá còn gặp ở mô cái của 2 bàn tay.
Số lượng thường là một cho đến hai cái, đôi khi gặp nhiều hơn. Mắt cá thường không mang tính chất đối xứng bởi vì phần lớn là do sang chấn.
Biểu hiện là trung tâm tròn chứa chất sừng, da xung quanh có viền dày sừng, màu vàng trong, ấn vào thì đau. Mắt cá có khi phẳng, có khi lồi lên khỏi mặt da, bề mặt láng hay có vảy. Mắt cá gây nên đau khi đi lại hoặc va chạm và đặc biệt khi ấn vào có một điểm đau chói rõ.
Thuốc gì điều trị mụn cóc?
ĐỌC NGAY
- Chai chân
Chai ở lòng bàn chân, giống như ở những vị trí khác, do đáp ứng với áp lực hay ma sát lặp lại liên tục để bảo vệ da bên dưới không bị tổn thương. Cục chai lòng bàn chân thường do mang giày chật hay không vừa, làm cho lòng bàn chân phải cọ xát nhiều với mặt trong của giày.
Biểu hiện là một vùng da cứng, dày, ở một hoặc hai bàn chân. Chai ở lòng bàn chân có khuynh hướng phát triển gần nền của các ngón chân, do ma sát với mặt trong của giày hay có những vấn đề về rối loạn dáng đi, biến dạng bàn chân hay ngón chân làm một số vị trí của bàn chân phải chịu áp lực nhiều.
Triệu chứng của cục chai ở lòng bàn chân là không đau, đây là đặc điểm giúp phân biệt với mắt cá, thường đau khi ấn. Chai có thể thay đổi màu sắc theo thời gian, tạo những khoảng màu nâu, đen hay đỏ bên dưới lớp da cứng.
Như vậy có thể nói, cách phân biệt giữa mụn cóc, chai chân và mắt cá chân là
mụn cóc
lòng bàn chân thường ở sâu hơn, ít đau, khô hơn; xuất hiện thường có nhiều cái, nhìn kỹ có những gai nhỏ và thường có những chấm đen. Vị trí không nhất thiết phải ở vùng tỳ ép. Mụn cóc lòng bàn chân có thể lây lan sang những vùng khác trên cơ thể và có thể lây lan cho người khác.
Chai chân
vốn là tổn thương dày sừng thường xuất hiện do sự ma sát, tỳ đè kéo dài. Tổn thương là đám da dày màu ngả vàng, hơi cộm lên, hình trong hay bầu dục, sờ cứng, không đau hoặc đau không đáng kể, không có nhân ở giữa.
Còn
mắt
cá
là do dị vật dẫm phải. Dị vật tiến sâu dần vào lớp da của bàn chân hình thành "nhân" mắt cá; tổ chức xung quanh dị vật bị xơ hóa, dần dần hình thành mắt cá.
Bệnh không lây lan nhưng mắt cá chân có khả năng bị nhiễm trùng, vỡ mủ và gây viêm đường bạch mạch. Mắt cá chân rất hay tái phát nếu không xử lý triệt để.
Mắt cá chân rất hay tái phát nếu không xử lý triệt để.
Cách xử trí khi bị mắt cá chân, chai chân, mụn cóc ở chân
Để xử trí đúng khi bị mắt cá chân, chai chân, mụn cóc ở chân thì việc đầu tiên phải chẩn đoán đúng. Nhiều trường hợp bệnh nhân không hiểu mắc mắt cá nhân hay chai chân mà đến khám và yêu cầu bác sĩ cắt bỏ tổn thương.
Có người mắc mụn cóc lòng bàn chân mà tự cho rằng bị mắt cá chân nên tự cắt da khoét sâu khiến cho virus phát tán rộng hơn làm xuất hiện hàng chục tổn thương mới ngay tại mép vết cắt và vùng da xung quanh. Cũng có trường hợp bệnh nhân chai chân đã điều trị cắt bỏ vùng da chai đến 3 lần nhưng vẫn than phiền về triệu chứng đau lúc đi lại ở vị trí đã cắt.
Chính vì vậy, tùy từng bệnh, tùy từng cá nhân mà có cách điều trị riêng cho phù hợp. Tuy nhiên, nguyên tắc điều trị chủ yếu là bằng các phương pháp nội khoa, giúp bệnh nhân thuận tiện cho việc sinh hoạt và quay trở lại ngay với công việc mà không mất thời gian nghỉ dưỡng, chăm sóc.
- Mụn cóc lòng bàn chân tồn tại dai dẳng kèm theo triệu chứng cơ năng khó chịu cũng như nổi thêm các tổn thương mới thì tốt nhất bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị. Những biện pháp hiệu quả dành cho hạt cơm gồm áp ni tơ lỏng, đốt điện, chấm axit tricloacetic…
Trong đó với đặc điểm vùng điều trị là bàn chân, cần cho quá trình sinh hoạt đi lại, biện pháp áp ni tơ lỏng được xem là lựa chọn tối ưu nhất. Với ưu điểm không tiêm thuốc tê, không có vết thương nên không cần chăm sóc sau điều trị cũng như không cần dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn cho vết thương, thời gian điều trị ngắn chỉ 5-10 phút, bệnh nhân có thể đi lại bình thường ngay sau điều trị, không để lại sẹo và ni tơ là chất hoàn toàn an toàn với sự dung nạp tốt cho tất cả bệnh nhân.
Đồng thời với trường hợp tổn thương nhiều thì đây càng là lựa chọn thích hợp. Kỹ thuật này chỉ có nhược điểm là để hết sạch tổn thương cần một vài lần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp mụn cóc có thể tự khỏi, nó phụ thuộc vào miễn dịch của từng cá nhân – tuy nhiên đây là yếu tố không thể dự đoán được.
- Mắt cá chân và chai chân do nguyên nhân là điểm chịu lực tì đè rơi vào vị trí khác thường nên cần giải quyết nguyên nhân để hạn chế làm nặng bệnh cũng như tái phát sau điều trị. Chỉ cần gọt bỏ khối dày sừng và loại bỏ nhân mắt cá chân là có thể giúp bệnh cải thiện. Cũng có thể phối hợp với ni tơ lỏng để giúp cho sự bong tróc của lớp dày sừng này nhanh hơn và ức chế sự sừng hóa mới.
Những biện pháp hỗ trợ gồm: thiết kế giày dép phù hợp cho những bàn chân này, dép có bề mặt bằng phẳng không có độ dốc kèm đế mềm, tấm đệm ở vùng chai chân, ngâm chân và gọt thường xuyên, thoa các chất làm mềm da hoặc tiêu sừng… Ngoại khoa được đặt ra cho những trường hợp bất thường trục xương cần có sự chỉnh trục để cho điểm tì đè của trọng lực về vị trí bình thường.
- Đối với các tổn thương chai dày cứng gây đau và khó khăn khi vận động, cần đến bệnh viện để được gọt bỏ. Kỹ thuật gọt chai chân là tiểu phẫu rất đơn giản, rẻ tiền, không gây đau và ít gây chảy máu, thời gian thực hiện khoảng 10-30 phút nhưng phải do bác sĩ tiến hành tại bệnh viện.
Đối với mắt cá chân sẽ tiểu phẫu cho mọi loại mắt cá và ở vị trí bằng phẳng (gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân…). Ưu điểm của tiểu phẫu là thời gian lành vết thương nhanh hơn đốt điện; chăm sóc vết thương sau mổ dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng hơn do vết thương kín. Nhược điểm chi phí cao, bệnh dễ bị tái phát vì không lấy hết nhân mắt cá và có thể để lại sẹo.
Tóm lại: Mắt cá chân, chai chân, mụn cóc ở chân là những vấn đề thường gặp khi thấy có biểu hiện gây bất tiện trong sinh hoạt hoặc đau đớn và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo có thể dẫn đến tổn thương lan rộng, nhiễm trùng nguy hại đến sức khỏe.
Mời độc giả xem thêm video:
Rau ngót rất tốt nhưng có nên ăn hằng ngày không - SKĐS