Trang Chủ > Sức khỏe > Lưu ý phải nhớ khi sơ cứu người bị đột quỵ

Lưu ý phải nhớ khi sơ cứu người bị đột quỵ

Zingnews
21/08/2022 08:24:04

Đột quỵ não sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu chần chừ, trì hoãn việc cấp cứu. Vì vậy, người dân nên nắm rõ dấu hiệu, cách xử trí ban đầu để hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tế bào thần kinh sẽ bị chết dần sau khi khởi phát đột quỵ. Mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Vì thế, người đột quỵ cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Hai trường hợp thường gặp ở người đột quỵ

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Hai dạng đột quỵ là thiếu máu não và xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.

Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết.

Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Để cấp cứu người đột quỵ, chúng ta cần lưu ý 10 vấn đề sau:

- Nhận biết sớm biểu hiện:

+ Méo miệng biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

+ Yếu liệt tay chân có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao.

+ Ngôn ngữ bất thường, giọng bị đơ đớ, có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ gì đó xem họ có hiểu và làm lại được không.

Lưu ý phải nhớ khi sơ cứu người bị đột quỵ-1

Đột quỵ não sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu chần chừ, trì hoãn việc cấp cứu. Ảnh: Freepik.

+ Đưa ngay người đột quỵ đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

- Đừng chủ quan cơn thiếu máu não thoáng qua: Trong nhiều trường hợp, người đột quỵ chỉ có triệu chứng thoáng qua, khoảng một giờ sau đó giảm dần, nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe.

Sự tắc nghẽn mạch máu nhỏ sẽ khiến một phần nhỏ mô não bị thiếu máu tạm thời và sớm được phục hồi nhờ cục máu đông tự vỡ (do kích thước nhỏ). Mô não này cũng có thể nhận được dòng máu từ một nhánh mạch máu cạnh bên. Tuy nhiên, 10 bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ có một người xuất hiện đột quỵ thật sự trong tuần kế tiếp.

- Xác định thời gian khởi bệnh đột quỵ.

- Giữ người đột quỵ nằm yên, tránh bị té ngã, sau đó cho bệnh nhân nằm đầu cao 30 độ.

- Đưa bệnh nhân đến ngay các trung tâm có thể can thiệp đột quỵ não cấp tính để được điều trị kịp thời.

- Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê: Người thân cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở, bạn cần hô hấp nhân tạo. Cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và não.

- “Thời gian vàng” để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là 6h. Thời gian tốt nhất là 3h sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Với sự tiến bộ của y học, ngày nay, người ta có thể dùng thuốc làm tan cục máu gây ra tắc mạch máu não.

Tuy nhiên, nó chỉ được dùng cho những người bệnh đến viện sớm trong vòng 4-5h sau khi khởi phát bệnh. Từ 4,5h đến 6h chỉ còn có thể áp dụng thông mạch bằng dụng cụ rút huyết khối. Nếu muộn hơn, bệnh nhân không còn thông mạch được nữa, việc điều trị rất khó khăn, khả năng tiên lượng xấu cao.

- Không hy vọng cơn đột quỵ sẽ qua đi hoặc tự ý cho người bệnh uống thuốc: Theo các bác sĩ, khi có các dấu hiệu nghi bị đột quỵ, bạn cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

Lưu ý phải nhớ khi sơ cứu người bị đột quỵ-2

“Thời gian vàng” để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là 6h. Ảnh: Gunceloku.

- Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp.

- Đột quỵ thiếu máu não hiện có thể được điều trị nếu cấp cứu kịp thời. Khi thấy người nhà có dấu hiệu của đột quỵ, việc cần làm của người thân là gọi ngay cấp cứu.

Những việc không nên làm khi cứu người đột quỵ

Nhiều bệnh nhân đột quỵ tiên lượng xấu cao vì sơ cứu sai cách. Người thân không nên:

- Không được tự ý điều trị cho người đột quỵ dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ… Những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

- Không được cho người đột quỵ ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở rất nguy hiểm.

- Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Đột quỵ có hai dạng do thiếu máu não và xuất huyết não. Nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu, ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tụt huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, tăng nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân dẫn tới đột quỵ, nhưng nó là sự ảnh hưởng của quá trình dài. Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu, cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách “khơi thông” dòng máu. Uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian.

Bài viết do bác sĩ Chuyên khoa I Bùi Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cung cấp thông tin.