Hiệu lực vắc xin ngừa COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian nên cần tiêm mũi 4. Nhiều người dân đã tự nguyện tiêm mũi 4 khi đủ thời gian, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan cho rằng việc này không cần thiết.
Đông đảo người dân sinh sống trên địa bàn quận 1 (TP.HCM) chủ động tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: X.MAI
Tại Hà Nội, một số khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp không tổ chức tiêm tập trung cho công nhân. Còn tại TP.HCM, công tác tiêm mũi 4 đang được đẩy mạnh với lượt tiêm tăng nhanh.
TP.HCM tính tiêm mũi 4 cho mọi người, điểm tiêm Hà Nội còn thiếu phối hợp
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), tính đến hết ngày 16-6, Hà Nội đã triển khai được hơn 18,68 triệu mũi vắc xin COVID-19. Trong đó, hơn 96% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 (tức là mũi nhắc lại lần 1). Số mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) là 130.417 mũi.
Còn tại TP.HCM đang trong thời gian cao điểm phát động tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 (tháng 6-2022) cho những nhóm người ưu tiên theo quy định gồm những người nguy cơ cao, người trên 50 tuổi, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch... Đồng thời tiếp tục tiêm mũi cơ bản cho trẻ từ 5 - 12 tuổi.
Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 1 tuần phát động (từ ngày 14 đến 18-6), số lượng mũi tiêm tăng mạnh so với thời gian trước đó với hơn 141.300 mũi tiêm, tăng gần 2,5 lần so với tuần trước. Trong đó, ngày thứ 4 sau khi phát động đợt cao điểm là ngày có số lượng mũi tiêm cao nhất với hơn 31.600 mũi.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết nguồn thuốc phục vụ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại TP ngày càng nhiều, và loại vắc xin để tiêm mũi 4 là Pfizer và Moderna. Trong thời gian tới, nếu nguồn vắc xin dồi dào, sở sẽ kiến nghị tiêm mũi 4 cho mọi người để tạo miễn dịch vững chắc trong cộng đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện CDC Hà Nội cho biết đầu tháng 6 đơn vị đã tiếp nhận 16 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiến hành tiêm chủng theo hình thức chiến dịch cho các đối tượng. Vắc xin COVID-19 hiện không thiếu, đảm bảo tiêm chủng cho người dân, tuy nhiên tiến độ tiêm chủng vắc xin tại Hà Nội đang chậm do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
"Hiện tình hình dịch đã "lắng" xuống, nhiều người dân có tâm lý chủ quan cho rằng việc tiêm vắc xin không còn cần thiết. Bên cạnh đó, một số điểm tiêm chủng hiện nay đang thiếu sự phối hợp. Cụ thể, các cơ sở sử dụng lao động tại các khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp không tổ chức tiêm tập trung cho công nhân như khi tiêm mũi 1, mũi 2.
Nhiều công ty làm cả cuối tuần, không ngày nghỉ, vì vậy để công nhân sắp xếp thời gian tự đến cơ sở y tế tiêm chủng rất khó.
Chúng tôi đề nghị cơ sở sử dụng lao động cần phối hợp với cơ sở y tế để tổ chức tiêm chủng. Nếu tổ chức điểm tiêm chủng ngay tại cơ sở lao động thì rất thuận lợi, sẽ tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu tiêm chủng tiếp cận được ngay", vị này cho hay.
Khuyến khích người dân tiêm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vắc xin giảm theo thời gian, vì vậy để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - hiện nay biến thể phổ biến trên thế giới vẫn là Omicron nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới và hiệu lực vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian vẫn có thể làm gia tăng số ca mắc COVID-19, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ cao. Do đó, với những ai chưa tiêm đủ, hoặc trì hoãn tiêm vắc xin cần tiêm đủ liều.
Tương tự, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết vắc xin phòng COVID-19 có miễn dịch không bền vững, sau khoảng 4 - 6 tháng miễn dịch sẽ giảm. Bên cạnh đó, người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm.
"COVID-19 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh. Hoặc nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, đặc biệt là người già, người mắc bệnh nền, người tiếp xúc có nguy cơ cao", ông Phu nói.
Trước thực tế nhiều người dân đã không còn quá "mặn mà" với tiêm phòng vắc xin COVID-19, vậy để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, có nên bắt buộc tiêm phòng vắc xin hay không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia dịch tễ cho rằng việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 vẫn cần thiết khi hiệu quả vắc xin sẽ suy giảm theo thời gian, trong khi những biến thể mới có thể xuất hiện.
"Nếu trong bối cảnh dịch bùng phát như thời gian trước có thể bắt buộc người dân tiêm theo yêu cầu tiêm phòng chống dịch. Nhưng hiện dịch đã tạm được kiểm soát, ca nhiễm bắt đầu giảm xuống, tỉ lệ tử vong thấp nên việc bắt buộc tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong bối cảnh hiện nay là thiếu căn cứ. Chúng ta nên duy trì tuyên truyền vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm chủng", vị này nhận định.
TP.HCM truyền thông rộng rãi
Để người dân dễ dàng tiếp cận vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã thông báo rộng rãi và cập nhật thường xuyên địa điểm, thời gian tiêm chủng của hàng trăm điểm tiêm tại mỗi phường, xã trên địa bàn quận, huyện hay tại bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất... Người dân đi tiêm chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận tiêm những mũi trước đó và sổ khám bệnh (nếu tiêm tại điểm tiêm bệnh viện).
Nguồn Tin: