Các khoa điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM luôn trong tình trạng đông đúc nhiều tháng qua. Ca mắc mới và chuyển nặng tăng cao cả trẻ em và người lớn.
Các phòng điều trị nội trú tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, luôn trong tình trạng đông đúc bệnh nhân. Tất cả giường bệnh luôn kín bệnh nhân, đa phần là những ca sốt xuất huyết người lớn có dấu hiệu cảnh báo.
Yến Nhi (21 tuổi, ngụ Nhà Bè) đang mang thai hơn 6 tuần, nằm mệt nhoài trên giường bệnh, môi bong tróc, khuôn mặt cũng ửng đỏ vì thiếu nước. Trước đó, chị sốt 40 độ C nhưng bác sĩ ở huyện khuyên về nhà theo dõi. Một ngày sau, tình trạng chuyển nặng hơn, chị Nhi được chồng tức tốc cho nhập viện. "Tôi đau bụng, đuối sức, vừa mệt vừa lo cho em bé trong bụng", chị Nhi chia sẻ.
Khoa Nhiễm C có chỉ tiêu 60 giường bệnh. Sáng 20/6, số lượng bệnh nhân tăng, khoa phải kê thêm một số giường bệnh tại hành lang. "Nếu khoa quá tải, chúng tôi sẽ cân đối chuyển các bệnh nhân đến khoa nhiễm khác trong bệnh viện, không để tình trạng một giường 2 người", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường, Phó khoa Nhiễm C, chia sẻ.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị cho 336 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 52 ca nặng phải hồi sức cấp cứu. Tính từ đầu năm, bệnh viện ghi nhận 3 trường hợp tử vong, 4 ca xin được đưa về.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị chủ yếu bệnh nhân sốt huyết ở mức độ cảnh báo với những biểu hiện như nôn nhiều, đau bụng, chảy máu răng, mũi, xuất huyết âm đạo, tiểu ra máu...
Ngọc Hân (21 tuổi, trú tại quận 7) sốt cao liên tục 2 ngày không hạ. Ngày thứ 3, em di chuyển từ TP.HCM về Tiền Giang thì đuối sức, được gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện ở tỉnh. "Do truyền nước quá nhiều, tôi bị tràn dịch bụng, lại được chuyển lên cấp cứu ở TP.HCM. Lúc đó, tôi mệt mỏi, người không còn sức lực", Hân nói.
Các nốt ban dạng chấm đỏ và một vài vùng có bầm máu ở da của một bệnh nhân 21 tuổi. Cô gái có thể trạng béo phì, được bệnh viện huyện Bình Chánh chuyển đến trong tình trạng giảm tiểu cầu, khó thở, lừ đừ và mệt mỏi.
Dịch sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam bước vào giai đoạn cao điểm và diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm. Các chuyên gia cảnh báo người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết, đến khi tình trạng chuyển nặng mới nhập viện.
Thống kê mới nhất đến ngày 16/6, TP.HCM ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với 274 ca nặng. Số ca bệnh tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 (7.388 ca). TP.HCM có số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao nhất phía Nam.