Các nhà nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) phát hiện một người ở bang Connecticut, Mỹ mắc Covid-19 hơn một năm trong quá trình lần theo dấu vết của một biến chủng đã không còn tồn tại. Bệnh nhân có tới 3 biến chủng SARS-CoV-2 trong máu.
Đây là trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian dài nhất mà các chuyên gia y tế phát hiện, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy virus biến đổi trong cơ thể những người bị suy giảm khả năng miễn dịch trước khi tiếp tục lan sang những người khác.
Khi rà soát các biến chủng SARS-CoV-2 ở bang Connecticut, Mỹ, các chuyên gia của Đại học Yale đã phát hiện biến chủng B.1.517 đang tồn tại trong cơ thể một người dân của bang. Điều đáng chú ý là biến chủng B.1.517 đã không còn tồn tại ở phần còn lại của hành tinh. Người mang biến chủng B.1.517 là bệnh nhân mắc u lympho ở độ tuổi lục tuần.
Kết quả kiểm tra chi tiết cho thấy bệnh nhân nhiễm trong 471 ngày tính tới ngày 29/6, thời điểm nhóm nghiên cứu công bố phát hiện của họ. Sau ngày 29/6, bệnh nhân vẫn tiếp tục trạng thái dương tính với nCoV. Virus biến đổi 3 lần trong cơ thể bệnh nhân với tốc độ cao gấp đôi so với mức bình thường, tạo ra 3 phiên bản mới.
Nhiều bằng chứng y khoa cho thấy SARS-CoV-2 đang tận dụng những người có hệ miễn dịch yếu để biến đổi gene. Ảnh: msf.org.
“Sự lây nhiễm dai dẳng đã làm tăng tốc quá trình tiến hóa và phân hóa nhanh chóng của SARS-CoV-2, một cơ chế góp phần tạo ra sự xuất hiện của những biến chủng mới như Omicron, Delta, Alpha”, nhóm nghiên cứu nhận xét.
“Nhiễm Covid-19 dài” là hiện tượng mà các chuyên gia đã biết từ lâu. Người mắc trong thời gian dài vẫn cảm nhận các triệu chứng của virus ngay cả khi bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, điểm khác biệt của bệnh nhân ở bang Connecticut là người này duy trì trạng thái dương tính với virus trong một giai đoạn dài và bệnh không chấm dứt.
Hiện tượng đó bổ sung thêm bằng chứng về việc virus đang tận dụng những người có hệ miễn dịch yếu để biến đổi gene.
Năm ngoái, các bác sĩ ở Anh phát hiện SARS-CoV-2 biến đổi rất nhanh trong cơ thể một nam giới mắc bệnh u lympho. Sau đó bệnh nhân đã qua đời.
Phát hiện đó khiến giới nghiên cứu nghĩ tới một giả thuyết là virus có khả năng tạo ra những đột biến gene để tránh những kháng nguyên trong cơ thể vật chủ.
Không ai biết số lượng người đang mang virus biến đổi gene siêu tốc, và các chuyên gia chưa tìm ra cách ngăn virus đột biến gene nhanh chóng khi nó tìm được vật chủ phù hợp.
Sự biến đổi nhanh của virus là một mối hiểm họa, bởi mỗi lần một phiên bản mới của nCoV xuất hiện, nó sẽ giáng đòn tấn công bất ngờ với cả thế giới, khiến chính phủ các nước phải xoay xở để ứng phó.
Khi biến thể Delta hình thành ở Ấn Độ rồi lây lan khắp thế giới vào mùa xuân và mùa hè năm 2021, nó gây nên một trong những làn sóng chết chóc đáng sợ nhất của đại dịch.
Hồi cuối năm ngoái, biến thể Omicron bành trướng khắp hành tinh, khiến số lượng ca mắc bệnh đạt tới mức kỷ lục.