Trường hợp thứ nhất
là bé T.M.K, nam, 14 tuổi, cân nặng 72 kg (ngụ tại Tam Bình, Vĩnh Long). Qua thông tin từ người nhà bé, từ ngày 1 đến ngày 3, bé K. bắt đầu sốt 39 độ C kèm theo nhức đầu, đau cơ. Đến ngày thứ 4, bé hết sốt và chuyển qua đau bụng, ói, lừ đừ, tay chân lạnh. Gia đình đã cho bé nhập bệnh viện địa phương, tại đây bé được truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Bé K. nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, ngày 4 tái sốc, sốc kéo dài, tổn thương gan, suy hô hấp. Bé được điều trị tiếp tục bằng truyền dịch chống sốc, huyết áp động mạch xâm lấn, hỗ trợ thở oxy, thở áp lực dương liên tục (CPAP) sau đó đặt nội khí quản giúp thở, đo áp lực bàng quang, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, điều trị hỗ trợ gan.
Tình trạng suy hô hấp do tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, áp lực bàng quang tăng lên đến 47cm H2O được chọc dẫn lưu dịch ổ bụng giải áp. Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng của K. đã cải thiện dần, bé tỉnh táo và được cai máy thở.
Bé T.M.K. 14 tuổi, cân nặng 72 kg bị sốc sốt xuất huyết nặng trên cơ địa béo phì (Ảnh: BVCC)
Trường hợp thứ hai
là N.K.B.M, nam, 5 tuổi, cân nặng 20 kg (ngụ tại Đức Hòa, Long An). Bé có bệnh sử sốt 4 ngày, ngày thứ 5 vào sốc và được đưa tới nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu. Bé đã được bệnh viện địa phương truyền dịch chống sốc theo phác đồ, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan.
Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng của M. đã cải thiện dần và được cai máy thở.
Trường hợp thứ ba
là T.X.Q.B, nam, 11 tuổi, 55 kg (ngụ ở Long An).
Trường hợp thứ tư
là P.H.S. nam, 11 tuổi, 53 kg (ngụ tại Bến Tre). Cả hai bé đều bị béo phì và đã vào sốc sốt xuất huyết. Vào ngày thứ 5, bệnh diễn tiến thành sốc kéo dài và biến chứng suy hô hấp rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa , tổn thương gan.
Bệnh nhi B. và S. đã được điều trị tích cực với dịch truyền cao phân tử HES 130 6% phối hợp albumin 10%, hỗ trợ hô hấp thở máy không xâm nhập. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của hai bé cải thiện dần. Đây là các trường hợp được áp dụng truyền cao phân tử và albumin giúp cải thiện tình trạng sốc và suy hô hấp ở trẻ sốc sốt huyết huyết.
Bé N.K.B.M. 5 tuổi, cân nặng 20 kg bị sốc sốt xuất huyết kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan (Ảnh: BVCC).
Trường hợp thứ năm
là bé P.N.T.K, 4 tuổi, nữ, cân nặng 22kg (ngụ ở Hóc Môn). Bệnh sử ghi nhận 5 ngày, ngày 1 - ngày 4 bé sốt cao liên tục, tới ngày thứ 5 trẻ hết sốt và bắt đầu ói ra dịch lợn cơn nâu, mệt, tay chân lạnh. Bệnh nhi đã được gia đình cho nhập viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ khó bắt huyết áp khó đo, Hct 49%, tiểu cầu 13000/microL, bé đã được bệnh viện địa phương truyền dịch chống sốc ban đầu và chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Bé K. nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tiêu phân đen. Các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở CPAP, thở máy không xâm nhập, xâm nhập, chọc dẫn lưu dịch ổ bụng giải áp, truyền máu, chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan cho K.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến nặng, sốc kéo dài tổn thương gan, thận nặng, suy đa cơ quan , K. đã được tiến hành lọc máu liên tục 3 chu kỳ. Kết quả sau hơn 2 tuần điều trị tình trạng K. cải thiện dần, tiểu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, cai được máy thở, tỉnh táo.
Trước tình trạng hàng loạt trẻ nhập viện trong tình trạng sốc do mắc sốt xuất huyết, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi trẻ cẩn thận để có thể phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh. Khi trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như quấy khóc; bứt rứt; đau bụng; chảy máu cam, răng, ói ra máu; tiêu phân đen; tay chân lạnh; bỏ ăn... thì không được chủ quan mà cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế kịp thời.
Hiện nay sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị cho nên biện pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất đó chính là thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi kết hợp với ngủ mùng.
TP.HCM lên kịch bản thu dung 6.000 ca bệnh sốt xuất huyết
SKĐS - Sở Y tế TP.HCM vừa xây dựng kế hoạch đảm bảo thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue theo các kịch bản từ 2.000 đến 6.000 ca tại các bệnh viện để thu dung, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.