Trang Chủ > Sức khỏe > Giang mai ở trẻ có nguy hiểm?

Giang mai ở trẻ có nguy hiểm?

VnExpress
06/08/2022 08:32:16

Bệnh giang mai ở trẻ sơ sinh hay giang mai bẩm sinh là bệnh truyền nhiễm mạn tính, do xoắn khuẩn (treponema pallidum), xảy ra khi thai nhi còn trong tử cung. Bệnh truyền từ mẹ sang con, trước hoặc trong khi mang thai.

Triệu chứng sớm của bệnh thường biểu hiện trong khoảng vài tuần đến vài tháng sau khi sinh gồm sốt, rối loạn về da, trẻ sơ sinh nhẹ cân. Một số trường hợp trẻ 4, 5 tuổi mới phát hiện mắc bệnh, xếp vào nhóm triệu chứng muộn, lúc này các triệu chứng thường không rõ ràng.

Giang mai ở trẻ có nguy hiểm?-1

Bong tróc da ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của bệnh giang mai. Ảnh: Freepik

Đối với trẻ mắc giang mai khi còn trong bụng mẹ, thai phụ có nguy cơ cao bị sẩy thai, tình trạng này xảy ra lúc bé chưa được 20 tuần tuổi. Đồng thời, người mẹ dễ sinh non hơn bình thường. Trẻ có thể gặp các vấn đề như nhau thai, quấn dây rốn, thai chết lưu...

Khi sinh ra, trẻ bị hạn chế tăng trưởng, nhẹ cân. Trong 28 ngày đầu tiên của cuộc đời, bé có thể bị sốt, vàng da, gan lách to, thiếu máu, sổ mũi, viêm màng não. Giang mai bẩm sinh giai đoạn muộn còn gây ra các vấn đề về xương, khớp, thị lực, thính giác, chậm phát triển, theo March of Dimes .

Tuy nhiên, chỉ một số ít trẻ mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng, phần lớn khác khỏe mạnh từ khi sinh ra. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, kéo dài suốt đời. Mức độ biến chứng phụ thuộc vào thời gian bé nhiễm bệnh khi còn trong bụng mẹ. Một tỷ lệ không nhỏ trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai tử vong khi còn trong bào thai hoặc sau khi sinh ra.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), trong một thập kỷ, số lượng trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai ở nước này tăng vọt. Năm 2012, có 332 trẻ sơ sinh nhiễm căn bệnh này. Nhưng đến năm 2021, con số tăng gần gấp 7 lần, lên ít nhất là 2.268 trường hợp, trong đó có 166 trẻ tử vong, chiếm 7%. Một số trẻ khác mắc căn bệnh này đối mặt với các vấn đề như dị tật não và xương, mù lòa, tổn thương nội tạng.

Nếu trẻ bị giang mai bẩm sinh, bác sĩ sẽ điều trị cho bé bằng một loại thuốc kháng sinh gọi là penicillin, dưới dạng tiêm hoặc qua đường truyền tĩnh mạch. Mức độ điều trị tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng, sức khỏe hiện tại. Đối với một số trẻ sơ sinh, bệnh giang mai bẩm sinh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, một số khác phải điều trị triệu chứng trong thời gian dài.

Bệnh có thể phòng ngừa, do vậy phụ nữ nên khám thai định kỳ, nếu mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm giang mai. Bạn hãy nói với bác sĩ điều trị, chuyên gia sẽ sử dụng một số xét nghiệm để kiểm tra bệnh giang mai bẩm sinh cho thai nhi, có biện pháp can thiệp sớm.

Người trẻ trước khi kết hôn nên kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để sàng lọc các bệnh xã hội lây truyền. Các cặp đôi quan hệ tình dục an toàn một vợ - một chồng, thực hiện các biện pháp ngừa thai an toàn.

Trước đó, bệnh nhi 1,5 tháng tại Hải Dương nhập viện trong tình trạng tróc da tay, chân ngay sau sinh, quấy khóc nhiều không rõ nguyên nhân. Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy bé mắc hội chứng nhiễm trùng, tổn thương da, má trái sưng đỏ, miệng loét. Kết quả xét nghiệm xác định bé mắc giang mai bẩm sinh. Bố mẹ bé cùng làm xét nghiệm, đều có kết quả dương tính với virus giang mai.

Hà Phượng (Theo The Washington Post, Nord )

Bé sơ sinh bị giang mai

Hệ lụy khi trẻ uống quá liều vitamin D

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị mất nước