Tại buổi gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên với các cán bộ, nhân viên ngành y tế địa phương diễn ra sáng 5/8, nhiều bác sĩ đã chia sẻ thực trạng, nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên y tế công lập nghỉ việc hàng loạt.
Bí thư Thành ủy TPHCM gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, vấn đề lương thấp đã được nói rất nhiều. Bản thân bà cũng có 2 người con hành nghề y. Bà luôn nhắn nhủ các con rằng nếu muốn giàu tiền hãy chọn ngành khác, còn chọn ngành y thì phải giàu tình thương.
Một thực tế đáng buồn là bác sĩ thi điểm đầu vào rất cao, học hành bài bản 6-7 năm nhưng khi ra trường với bao tâm huyết, lương chỉ 7,8 triệu đồng. Với số tiền như vậy thì sống ở TPHCM sao?
PGS Diễm Tuyết nhận định, làm 1 tháng, 1 năm hoặc 5 năm thì có thể cầm cự, nhưng đến 10 năm, 20 năm thì y bác sĩ không thể bền bỉ được.
PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (Ảnh: CTV).
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương bày tỏ mong muốn, TPHCM có thể cân đối nguồn ngân sách để hỗ trợ thêm chi phí cho nhân viên y tế, dù lương bổng bị trói buộc bởi rất nhiều chính sách. Khi có cơ chế đãi ngộ tốt hơn sẽ giúp cho y bác sĩ yên tâm cống hiến lâu dài, cảm thấy hãnh diện khi được phục vụ ở ngành y tế TPHCM.
"Tôi biết TPHCM còn nhiều khoản chi, nhưng nên chăng có thêm sự quan tâm cho ngành y tế. Nếu như nhân viên y tế nghỉ việc hết thì không còn ai chăm sóc sức khỏe cho người dân" - PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết tâm tư.
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương xúc động khi nói về lương bác sĩ (Video: HL).
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TPHCM chia sẻ, bản thân ông nhận ra thêm 2 nguyên nhân khác có thể khiến nhân viên y tế nghỉ việc.
Một là công tác tư tưởng, tinh thần với nhân viên y tế chưa tốt. Ông Hải nhận định, có nhiều nhân viên y tế vẫn ở lại làm mà không nề hà lương thấp, nên không thể nói thu nhập là nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc.
Hai là công tác bảo vệ nhân viên y tế, bao gồm trong ngành y tự bảo vệ nhân viên mình và sự bảo vệ của hệ thống, xã hội với y bác sĩ.
Ông Hải đề nghị phải có chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng đặc thù của ngành y tế (như y bác sĩ ở khoa Cấp cứu). Và phải làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng, tinh thần của nhân viên y tế.
Sau khi lắng nghe các chia sẻ của các nhân viên ngành y, các ý kiến từ Sở Y tế TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, chính sách đãi ngộ cho ngành y tế hiện nay còn có vấn đề.
Về môi trường làm việc, cường độ công việc quá áp lực, không có cơ hội học tập hay không hài lòng cấp trên… tất cả đều có thể giải quyết được. Ông đề nghị ngành y tế, các lãnh đạo bệnh viện phải tự xem lại mình, từ đó có sự bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện nay.
Thông tin về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay có 891 viên chức ngành y tế xin nghỉ việc.
Theo thống kê, trong năm 2021 số nhân viên làm việc của ngành y tế TPHCM là hơn 42.900 người. Đến 6 tháng đầu năm 2022 còn hơn 42.600 người, bao gồm 181 công chức, hơn 27.500 viên chức và hơn 14.800 hợp đồng lao động.
Theo ông Thượng, con số nhân sự chênh nhau khoảng 300 người, nghe có vẻ không lớn nhưng cũng tạo ra khó khăn không nhỏ. Vì những cán bộ nghỉ là những người có chuyên môn cao và kinh nghiệm, còn người mới vào là những nhân sự trẻ.