Trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào tay khi đi bắt rắn trên rừng. Sau khi bị rắn cắn , bệnh nhân tự chữa trị ở nhà bằng đắp lá cây lên vết thương. Chỉ đến khi sức khỏe suy yếu và vết rắn cắn bị nhiễm trùng - hoại tử lan rộng thì người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng (tổn thương thận cấp, suy gan cấp , rối loạn đông máu), vết rắn cắn ở mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tự đắp lá cây lên vết thương trong 4 ngày trước đó cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng nhiễm trùng - hoại tử càng thêm nặng nề hơn.
Bàn tay bị hoại tử của bệnh nhân. Ảnh: BSCC
Cũng theo BS. Hoàng Công Tình, tiên lượng bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao. Vết thương mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử có xu hướng lan xuống toàn bộ bàn tay và lan lên cánh tay, đối diện với nguy cơ phải cắt lọc diện rộng, thậm chí phải cắt cụt tay.
Các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Mục tiêu quan trọng nhất là điều trị hỗ trợ các tạng suy, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Song song với đó là các biện pháp điều trị để ngăn chặn sự nhiễm trùng - hoại tử lan rộng của vết thương, bảo tồn và phục hồi chức năng bàn tay bị rắn cắn.
Chăm sóc bàn tay bệnh nhân. Ảnh: BSCC
Sau một thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, các tạng suy được hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân đã khá dần lên.
Tuy nhiên, vết thương bàn tay trái của bệnh nhân để lại một diện khuyết da khá lớn, vùng da khuyết lộ rõ các gân duỗi của tay. Bệnh nhân đối diện với rất nhiều nguy cơ nếu không được vá da và phục hồi chức năng bàn tay trái.
Các bác sĩ của 4 chuyên khoa: Hồi sức tích cực - chống độc, ngoại chấn thương - chỉnh hình, gây mê hồi sức và phục hồi chức năng tiếp tục hội chẩn để tiến hành vá da và phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật chuyển 1 vạt da vùng đùi trái lên vá vào vùng da khuyết ở bàn tay trái cho bệnh nhân đã thành công tốt đẹp. Một tuần theo dõi sau vá da, bàn tay trái của bệnh nhân hồi phục rất tốt.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được cho ra viện.
Bác sĩ kiểm tra lại bàn tay của bệnh nhân. Sau khi thoát khỏi "lưỡi hái tử thần", bệnh nhân khẳng định: "Tôi sẽ không bao giờ bắt rắn nữa". Ảnh: BSCC
Các bước sơ cứu đúng nhất khi bị rắn cắn:
- Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.
- Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
- Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
Các bác sĩ lưu ý, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Với phương châm “nhầm hơn bỏ sót” bởi nếu bị rắn độc cắn, đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Không nên mất thời gian đi tìm thuốc lá hoặc thầy lang làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân vì đến muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện.
Bệnh nhân liệt hoàn toàn do rắn hổ mang chúa cắn được trở về từ cõi chết
SKĐS - Thầy thuốc Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khoa đã tiếp nhận điều trị và cứu nữ bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch.