Hội thảo đã nêu bật các nguy cơ sức khỏe liên quan tới sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhựa để từ đó đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy nghiên cứu nhằm giảm thiểu tác động của nhựa đến sức khoẻ và môi trường sống ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỉ lệ nhựa chiếm từ 10-20% (khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm) và tăng đột biến sau đại dịch COVID-19. Rác thải nhựa có thể bị thải bỏ ra môi trường và xâm nhập vào chuỗi thức ăn do bị tan rã thành các mảnh và hạt nhỏ hơn theo thời gian. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu, kiến thức và đặc biệt sự tham gia của các cơ quan quản lý về vấn đề quản lý rác thải nhựa và tác động tới sức khoẻ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đứng trước bối cảnh đó, FHI 360 đã tiên phong thực hiện nghiên cứu Tổng quan về tác động sức khỏe của nhựa đối với sức khỏe con người ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Sự kiện lần này là cơ hội để nhóm nghiên cứu từ FHI 360 cũng như các chuyên gia đến từ các thành viên của PHA như VOHUN hay CHERAD chia sẻ các kết quả nghiên cứu của mình về chủ đề Rác thải nhựa và ảnh hưởng của rác thải nhựa tới sức khỏe con người, sức khỏe môi trường.
Hội thảo đã tập trung thảo luận những nội dung như: Tổng quan về tác động sức khỏe của nhựa đối với sức khỏe con người ở Việt Nam; Thực trạng ô nhiễm vì nhựa và tác động tới sức khoẻ; Tác động sức khoẻ của quá trình tái chế chất thải nhựa; và thảo luận để đưa ra các kiến nghị và định hướng các hoạt động trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Đức Vinh - Tổng Thư ký PHA cho biết: “PHA sẽ cùng với các đối tác và các mạng lưới liên quan tạo ra một tiếng nói thống nhất về vấn đề nhựa và sức khỏe, cùng nhau thực hiện các hoạt động như nghiên cứu, xây dựng và truyền thông các mô hình thực hành tốt; đối thoại và vận động chính sách để hướng đến giảm thiểu tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến sức khoẻ con người và môi trường sống ở Việt Nam”.
TS. Nguyễn Thị Thu Nam, Trưởng đại diện FHI 360 Việt Nam chia sẻ “Với thế mạnh chuyên môn và kinh nghiệm trong nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật toàn cầu, FHI 360 sẵn sàng mang tới các sáng kiến và chung tay cùng các cơ quan quản lý, các tổ chức và cộng đồng trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và các tác động tiêu cực của nó đối với sức khỏe con người và môi trường”.
Hội thảo thu hút gần 150 đại biểu tham dự dưới hai hình thức online và offline. Sự kiện là một trong những điểm mới trong việc bổ sung những kiến thức về rác thải nhựa trong ngành Y tế và đề xuất những chính sách quản lý về vấn đề này tại Việt Nam.
Thao Lan