Trang Chủ > Sức khỏe > Giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm

Giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm

Xã Luận
19/09/2022 05:00:51

Báo cáo của Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam đang cao gấp 4,9 lần mức độ không khí đảm bảo của WHO, đứng thứ 36 toàn thế giới về ô nhiễm không khí. Đặc biệt là ô nhiễm bụi (TSP, PM10, PM2.5) và không khí tại các đô thị lớn ngày càng trở nên nghiêm trọng cho thấy nhiều thách thức và yếu kém về quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí.

Giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm-1

Ảnh minh họa

Thống kê 5 năm gần đây cho thấy, bụi PM10, PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động của thành phố Hà Nội đều vượt trị số cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ 1,1 - 2,2 lần. Cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là một trong 2 địa phương có chất lượng không khí kém nhất nước. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra ra t‌ử von‌g cho hơn 1.300 người ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm.

Không khó nhận ra, một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí là giao thông vận tải. Việt Nam hiện có gần 4 triệu ô tô và 58 triệu xe máy, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Nhiều trong số đó là phương tiện cũ có công nghệ kiểm soát khí thải kém.

Giao thông quá tải do hạ tầng đường bộ, quy hoạch đô thị bất cập, dân số tăng nhanh, thiếu không gian xanh, năng lực vận chuyển công cộng kém... đang tạo áp lực rất lớn đối với môi trường không khí. Cùng với bụi đến từ công trình xây dựng và các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí vẫn đang tồn tại trong và xung quanh các khu đô thị đang khiến chất lượng không khí trở nên tệ hơn.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn đối với môi trường, xã hội và sức khỏe con người, các chuyên gia môi trường khuyến cáo, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là kiểm soát quyết liệt nguồn khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới, các hoạt động công nghiệp, xây dựng.

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đến nay, bước đầu đã ghi nhận những thay đổi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể, cả nước có 1.912 cơ sở phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính và áp dụng định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Quy định này tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng mô hình sản xuất sạch để tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.

Cùng với ban hành các quy định về Tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt; di chuyển các cơ sở sản xuất, trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để phát triển không gian xanh..., chính quyền nhiều thành phố đã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, cấm lưu hành đối với tất cả các xe cơ giới không đạt tiêu chuẩn về khí thải đến nay vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể. Trong khi đây là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí đô thị.

Kinh nghiệm từ các quốc gia kiểm soát tốt chất lượng không khí cho thấy, cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Song song với ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền và chủ nguồn thải đối môi trường, nhiều chuyên gia đề nghị cần siết chặt hạn ngạch phát thải cho từng địa phương và từng lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, xây dựng... Đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động giám sát, bảo vệ môi trường.

Nguồn Tin: