Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tổ chức Chương trình “Đi bộ vì trái tim khỏe - Tần số tim < 70 nhịp/phút” tại bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày tim mạch thế giới, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa bệnh lý tim mạch và duy trì trái tim khỏe mạnh.
Các y bác sĩ và người dân đi bộ trên bãi biển
Chương trình nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2022, với sự tham gia của hơn 500 y bác sĩ chuyên ngành tim mạch trên cả nước.
Trước khi xuất phát, người tham dự được đội ngũ Huấn luyện viên hướng dẫn kỹ thuật đi bộ chuyên nghiệp và những bài tập khởi động. Bên cạnh sự tham gia của nhân viên y tế, chương trình đã thu hút được đông đảo người dân địa phương cùng tham gia. Nhờ sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TP Vũng Tàu và các lực lượng chức năng, chương trình được đảm bảo an ninh, hơn 500 người tham dự chương trình đã về đích an toàn.
GS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Tim mạch bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, hiện nay một trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nước ta là bệnh lý tim mạch.
Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch gây tử vong khoảng 200.000 người mỗi năm, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
GS-TS-BS Trương Quang Bình phát biểu khai mạc tại chương trình
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đi bộ hay vận động giúp tăng lưu thông máu trong cơ thể, tăng cường cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến tim và các cơ quan, từ đó giúp trái tim khỏe mạnh hơn. Hưởng ứng Ngày Tim mạch thế giới năm nay, Chương trình “Đi bộ vì trái tim khỏe - Tần số tim < 70 nhịp/phút” sẽ góp phần tăng cường nhận thức của người dân về việc vận động, tập thể dục đều đặn nhằm góp phần cải thiện sức khỏe hệ tim mạch.
Các nghiên cứu cho thấy, tần số tim (tức số lần tim co bóp trên mỗi phút) càng cao thì nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch càng lớn. Ở người bình thường, tần số tim tối ưu ở khoảng 70 nhịp/phút (lúc nghỉ). Đối với người có bệnh lý mạch vành, tần số tim cần giữ < 70 nhịp/ phút (tối ưu ở khoảng 55 - 60 nhịp/phút) để ngăn ngừa các biến cố tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Để tần số tim lúc nghỉ đạt < 70 nhịp/phút, người có bệnh lý tim mạch cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc tập luyện các bộ môn đơn giản như đi bộ, bơi lội, chạy bộ… cũng giúp làm giảm tần số tim. Trong đó, đi bộ là biện pháp đơn giản nhất. Đi bộ 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 lần mỗi tuần trong vòng 3 – 6 tháng có thể làm giảm được 10% tần số tim so với lúc đầu, giúp phòng ngừa các biến chứng tim mạch.
Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và phòng ngừa sớm các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Đối với người đang điều trị bệnh tim mạch, cần tuân thủ điều trị và chế độ sinh hoạt, tập luyện phù hợp để đạt hiệu quả, tránh các biến chứng có thể xảy ra và duy trì trái tim khỏe mạnh.
Nguồn Tin: