Tăng ca mắc, tử vong do Covid-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc Covid-19, có 10,3 triệu người khỏi bệnh (chiếm 90%) và trên 43 nghìn ca tử vong (chiếm 0,38%). So với tháng 7, trong tháng 8 cả nước có hơn 72.000 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca).
Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Xu hướng tăng ca mắc bắt đầu hiện rõ từ tháng 7. Trong khi các tháng trước đó trung bình mỗi ngày nước ta chỉ ghi nhận 500-700 ca, thì đến tháng 7 con số này tăng lên 1.000 và đến nay là khoảng 2.900 ca. Đáng chú ý, ngày 7/9 cả nước ghi nhận gần 3.900 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua.
Đặc biệt, số ca nặng, tử vong cũng có xu hướng gia tăng. Từ đầu tháng 9 đến nay, chỉ có 2 ngày nước ta không có ca tử vong do Covid-19, còn lại mỗi ngày 1-2 ca, cá biệt có ngày có đến 3 ca tử vong.
Theo báo cáo ngày 13/9, cả nước có 190 bệnh nhân nặng, hiện phải thở oxy (thở oxy qua mặt nạ: 159 ca, thở oxy dòng cao HFNC: 9 ca, thở máy không xâm lấn: 3 ca và 19 ca phải thở máy xâm lấn). Ngày 12/9 nước ta cũng có 2 ca tử vong tại Cao Bằng (1), Hà Nội (1).
Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác. Trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76. Các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Một loạt các kết quả nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh BA.5 dường như là phiên bản lây nhiễm mạnh nhất của SARS-CoV-2 với giá trị R0 (số người bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh) là 18,6. Điều này sẽ khiến khả năng lây nhiễm của BA.5 ngang bằng với bệnh sởi.
Cán bộ y tế giải thích cho người dân trước tiêm vaccine phòng Covid-19 (Ảnh: Đỗ Quân).
Sửa thông điệp 5K thành 2K+
Hiện để thích ứng với tình hình với, Bộ Y tế đã sửa đổi thông điệp 5K thành 2K+ (khẩu trang + khử khuẩn + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân…).
Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế thì sẽ vẫn tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K và các biện pháp khác như: vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế cho biết dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới, cộng thêm mùa đông xuân sắp đến các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, việc thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết. Việc mỗi người dân tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn không chỉ góp phần phòng chống Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
"Chúng tôi cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn. Cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 để bảo vệ trẻ", ông Đình Anh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên hiện nay dịch được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của những biến chủng mới.
TS Shane Fairlie, Chuyên gia WHO tại Việt Nam nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Do đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.