Trang Chủ > Sức khỏe > Đơn thuốc 'chữ xấu đọc không nổi', cả dược sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm đều 'bó tay'

Đơn thuốc 'chữ xấu đọc không nổi', cả dược sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm đều 'bó tay'

Tuổi Trẻ
15/09/2022 08:37:12

TTO - Một ngày trước, trang cá nhân của một dược sĩ khá nổi ở Hà Nội chia sẻ toa thuốc của bệnh nhân quê anh. Toa viết tay nhưng chữ xấu đến nỗi dược sĩ này cho biết chính anh và bác sĩ giàu kinh nghiệm ở Hà Nội cũng “vò đầu bứt tai”.

  • Học sinh lớp 2 bị cô đánh bầm tím vì chữ viết xấu
  • Gõ bàn phím càng nhanh, chữ viết tay càng xấu
  • Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả nhà thuốc tiếp nhận đơn thuốc điện tử

Theo đơn thuốc gồm 2 trang mà dược sĩ này chia sẻ, phần kê đơn thuốc chữ xấu đến nỗi bệnh nhân không đọc nổi là thuốc gì, dùng ra sao, phần dặn dò cũng chỉ là "đoán mang máng' là 7 ngày khám lại, không biết có chính xác hay không.

Người bệnh đã mang đơn thuốc này đến hỏi ý kiến một bác sĩ đúng chuyên khoa và giàu kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bác sĩ này cũng chịu không luận ra tên thuốc.

Một đơn thuốc khác được bệnh nhân gửi đến cho chúng tôi, cũng trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân bị chấn thương thể thao và mới đi khám cuối tháng 8 vừa qua.

Nhưng ngặt một nỗi khi xem đơn, rất khó để luận ra bác sĩ chẩn đoán như thế nào và kê đơn thuốc gì. Phần chỉ định chụp chiếu cũng chỉ nhìn được chữ Xquang, còn lại là chịu.

Chia sẻ với

Tuổi Trẻ Online

sáng 14-9, bác sĩ T., người có đơn thuốc "chữ xấu không đọc nổi' đang được chia sẻ trên mạng xã hội cho biết ông cũng nhận ra chữ viết của đơn thuốc xấu và sẽ rút kinh nghiệm sau “sự cố” lần này.

“Bình thường nếu người bệnh không quá đông tôi vẫn viết đơn thuốc đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, hôm đó do lượng bệnh nhân khá đông nên đã viết nhanh hơn. Hầu hết đơn thuốc được mua tại khu vực phòng khám nên người bệnh cũng không phải hỏi lại.

Tuy nhiên, sau đó có thể là do người nhà bệnh nhân về đọc lại đơn thuốc nên bức xúc mới đăng tải lên mạng xã hội. Bản thân tôi cũng coi đây là bài học và rút kinh nghiệm về chữ viết của mình”, bác sĩ T. nói.

Cũng theo bác sĩ T., việc ghi đơn thuốc sẽ nhanh hơn làm bệnh án/đơn thuốc điện tử do ông không có người hỗ trợ. Vì vậy thông thường khi đông bệnh nhân bác sĩ sẽ viết đơn tay để giảm thời gian chờ của bệnh nhân.

" Thực tế đa phần bác sĩ đều muốn tốt nhất cho người bệnh, nhưng đôi khi kỹ năng mềm lại kém thành thử người bệnh chưa tin tưởng. Tôi làm nghề 15 năm rồi, đây là trường hợp đầu tiên tôi bị người bệnh phản ánh. Thực tế tôi rất buồn, còn những vấn đề khác thì không có gì", bác sĩ T. tâm sự.

Chia sẻ với

Tuổi Trẻ Online

, một bác sĩ Trưởng trạm Y tế ở Hà Nội cho biết có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, khi cầm đơn bác sĩ lên trạm y tế thì bác sĩ của trạm không thể đọc được để lấy thuốc. Người bệnh lại phải quay trở lại bệnh viện hoặc lên thành phố để mua thuốc, tốn kém cả chi phí và thời gian cho người bệnh.

"Nếu viết một đơn thuốc hay chỉ dẫn mà bệnh nhân không hiểu gì thì cần phải xem xét, tôi nghĩ đó còn là vấn đề "y đức" của bác sĩ. Chúng ta nên có những quy định chặt chẽ hơn, thậm chí có thể xử phạt bác sĩ nếu viết đơn, chỉ dẫn mà chữ không ai dịch được"- vị này nêu ý kiến.

Dưới đây là quan điểm của những người công tác trong ngành y tế xoay quanh vấn đề viết chữ xấu trong đơn thuốc và lời dặn cho bệnh nhân:

*

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam

- nguyên

phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Đại học Y dược TP.HCM:

Cá biệt trường hợp cố tình viết chữ xấu để trục lợi

- Phần lớn các bác sĩ đều viết chữ xấu, khoảng 70%. Có hai nguyên nhân chính đó là viết xấu tự nhiên và cố tình viết xấu.

Các bác sĩ thời trước thường viết chữ rất đẹp, nổi bật là những bác sĩ từng đi bộ đội. Bác sĩ càng lớn tuổi thì viết chữ càng xấu. Như tôi, trước đây viết chữ khá đẹp nhưng lớn tuổi thì các khớp tay bị cứng nên viết chữ không còn đẹp nữa.

Ngoài ra, trong một thời gian nhất định mà bác sĩ viết kê toa quá nhiều thì chữ không đẹp dần. Đây là những trường hợp bác sĩ viết chữ xấu tự nhiên.

Thế nhưng có những bác sĩ cố tình viết chữ xấu, hay cố tình viết toa thuốc không ai đọc được để trục lợi. Họ cũng cấp toa thuốc cho bệnh nhân đầy đủ nhưng bệnh nhân cầm toa thuốc này đi khắp nơi mà vẫn không mua được. Thậm chí dược sĩ có nhiều năm kinh nghiệm cũng không đọc được tên thuốc kê toa.

Để có được thuốc uống đúng toa, bệnh nhân phải quay lại bác sĩ đó và chấp nhận mua thuốc của bác sĩ hoặc nhà thuốc nào đó được bác sĩ đó chỉ định. Trước đây tình trạng này xuất hiện rất nhiều, còn bây giờ chỉ vài trường hợp cá biệt.

Nên chăng cơ quan quản lý cần quy định tất cả đơn thuốc đều được in ấn bằng máy tính và có hồ sơ lưu trữ nhằm giúp kiểm soát hoạt động của bác sĩ cũng như tất cả hồ sơ, đặc biệt là toa thuốc. Hiện phần mềm này đơn giản và không tốn quá nhiều kinh phí, cơ quan quản lý có thể cung cấp miễn phí cho bác sĩ và nên đưa vào quy định hành chính.

*

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng

,

Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc Phòng)

:

Bác sĩ viết chữ xấu sẽ gây hệ lụy đến bệnh nhân

- Thực tế nhiều bác sĩ có tình trạng viết ẩu trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan là từ khi được đào tạo trong trường. Ngành y có đặc thù là học tập chủ yếu qua lâm sàng, trong quá trình đào tạo thường phải tốc ký để kịp thời ghi chép những chia sẻ kinh nghiệm của giảng viên. Dần dần chữ viết không còn được "đẹp" như trước.

Thứ hai là do lượng bệnh nhân lớn, đặc biệt là ở những bệnh viện công hiện nay. Các bác sĩ không có nhiều thời gian để nắn nót từng chữ, trong khi thời gian có hạn, lượng bệnh nhân lớn.

Nguyên nhân chủ quan là do một số bác sĩ viết ẩu, viết cho nhanh vì cho rằng dược sĩ sẽ đọc được đơn thuốc. Ngoài ra, khi dặn dò người bệnh bác sĩ cũng vừa nói, vừa viết, vì vậy cho rằng người bệnh có thể nghe được lời chỉ dẫn nên lời chỉ dẫn viết ra cũng không được hoàn chỉnh.

Việc bác sĩ viết chữ xấu sẽ gây hệ lụy đến bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân cầm đơn thuốc đến nhà thuốc bệnh viện hoặc các cửa hàng thuốc quanh khu vực bệnh viện, dược sĩ có thể đọc được đơn thuốc vì đã quen thuộc với mặt bệnh, tên thuốc.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ở ngoại tỉnh, mua thuốc tại các cửa hàng thuốc địa phương, nhỏ lẻ, dược sĩ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đọc đơn thuốc.

Đó là chưa kể đến việc nếu dược sĩ không có "tâm", họ có thể đưa thuốc khác với kê đơn của bác sĩ. Nếu thuốc có thành phần chống chỉ định với người mẫn cảm với các thành phần của thuốc, có thể dẫn đến tình trạng dị ứng, gây tác dụng phụ; thậm chí có thể gây sốc phản vệ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Để khắc phục "chữ xấu" của bác sĩ có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài và khó. Bởi vậy, thay vì yêu cầu bác sĩ viết chữ đẹp thì nên áp dụng các biện pháp khác. Chúng ta nên áp dụng đơn thuốc, chỉ dẫn điện tử, tất cả đều nên được in ra để bệnh nhân có thể đọc hiểu, mua thuốc cũng như theo dõi tình trạng bệnh dễ dàng hơn.

DƯƠNG LIỄU - XUÂN MAI