Trang Chủ > Sức khỏe > Đôi bông tai của mẹ và chuyện học của tôi - sinh viên Y

Đôi bông tai của mẹ và chuyện học của tôi - sinh viên Y

Sức Khỏe và Đời Sống
15/09/2022 08:33:27

Ngày đó, khả năng tiếng anh của tôi rất kém, kém cả 4 kỹ năng. Rồi, cú sốc đầu đời tôi gặp đó là bị đánh trượt trong cuộc trao đổi sinh viên với Đại học Quốc Gia Singapore (NUS) vì không có chứng chỉ quốc tế như (IELTS, Toeic hay TOEFL iBT…).

Hè năm đó tôi về nhà và kể với mẹ. Mẹ chỉ thở dài và nói với tôi "Mẹ biết rồi". Ngày tôi vào lại thành phố để học, mẹ đã bán đôi bông tai để đưa cho tôi đăng ký học tiếng anh. Tôi thực sự không biết nói gì, cầm số tiền mẹ đổi từ tiệm vàng ra đưa hết cho mình….

Mẹ chỉ nói rằng "Gì chứ, chuyện học của con, mẹ không tiếc". Năm 2010, số tiền hơn 3 triệu ấy đủ tôi học 6 tháng nhưng đó là 6 tháng tôi học cật lực để lấy lại căn bản tiếng anh. Sau đó, tôi tiếp tục tự học và tham gia vào các khóa dịch thuật tài liệu cho đàn anh (tôi làm không công)...

Rồi 2015, tôi học nội trú may mắn gặp được thầy Phạm Quý Trọng - một người thầy có tâm, có tầm và giỏi cả 4 loại ngôn ngữ. Thầy đồng ý cho tôi đi theo để học dịch cabin. Tôi thực sự không có bí quyết gì ngoài sự quyết tâm và sự ngưỡng mộ thầy khi thấy thầy ngồi trong cabin vừa dịch vừa cười như đang nói chuyện với cô chuyên gia vậy. Nên tôi đã quyết tâm học ngày học đêm, có cơ hội là tôi học tiếng anh.

3 năm sau, tôi lần đầu bước vào cabin dịch một loạt 3 bài và đó là khoảnh khắc tôi sẽ không bao giờ quên trong đời. Và tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất chính là ĐAM MÊ. nếu đam mê thì thực sự ở Việt Nam cũng có thể học tốt tiếng anh và giao tiếp tốt. Và skill gần như quyết định sự hứng thú, đam mê của bản thân với tiếng anh đó là kỹ năng NÓI (Speaking).

Phương pháp tôi áp dụng là "Parroting" - nghĩa là bạn nghe một câu tiếng anh nào đó, bạn chép ra giấy và luyện cho đến khi accent cải thiện thì bắt đầu học đến các yếu tố khác trong chính câu nói đó như là từ vựng phù hợp chưa (vocabulary) và ngữ pháp đã đúng chưa (grammar). Sau đó, bạn cứ thử nói đi nói lại câu đó, nhấn mạnh trọng âm cho đúng (pronunciation)...cho đến khi bạn nói câu đó một cách trôi chảy (fluency).

Ví dụ, bạn bắt đầu từ câu đơn giản "Kid has a high temperature or fever" rồi sau đó phát triển thành "Children are considered to have a fever if they have a body temperature of 38.5°C or more, and babies under three months old are already considered to have a fever at a body temperature of 38.0°C or more". Rồi sau đó bạn tìm cách đọc từ °C là celsius ( /ˈsel.si.əs/)...rồi dần dần phát triển hơn.

Hiện tại, tôi vẫn duy trì dịch cabin cho các hội nghị như một nguồn thu nhập phụ bên cạnh việc làm bác sĩ. Tiếng anh giúp tôi rất nhiều, từ việc đọc các tài liệu cập nhật uptodate, cho đến tìm hiểu những cái hay trong văn hóa, lối sống và tư duy…của những người nước ngoài.

Ngày ấy, nếu mẹ không quyết tâm bán đôi bông tai cho tôi đi học tiếng anh, chắc tôi không được như bây giờ, dù không hơn ai nhưng tôi cũng thấy vừa đủ.

Đặc biệt với sinh viên Y và bác sĩ, tiếng anh là một phần không thể thiếu của bác sĩ, vì chúng ta học Y khoa là học cả đời, trau dồi cả đời và kiến thức y khoa thay đổi mỗi ngày. Không có khả năng đọc hiểu hay biết tiếng anh, chúng ta sẽ mất rất nhiều cơ hội tiếp xúc kiến thức mới, những điều giúp bản thân trở nên tốt hơn.

Ngôn ngữ là một trong những khả năng bẩm sinh, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận ngôn ngữ mới, nhưng kể cả khi có năng khiếu thiên bẩm chúng ta vẫn phải khổ luyện trong rất nhiều sự kiên nhẫn mới có thể làm chủ được một ngôn ngữ mới.

Đôi bông tai của mẹ và chuyện học của tôi - sinh viên Y-1

Đằng sau ‘nỗi sợ đấu thầu'

SKĐS - Đằng sau vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện là câu chuyện về trách nhiệm, là nỗi lo 'vượt rào', vi phạm, khiến không ít cán bộ ngành y chấp nhận chọn giải pháp an toàn...