Chiều 24/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì họp trực tuyến để bàn các biện pháp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ gia tăng tại nhiều nước châu Âu
Ngày 23/7, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng. Thế giới ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc tại 74 quốc gia, tử vong 5 trường. Tỷ lệ tử vong trên số mắc là 1/3.000, số này chưa thực sự thống kê hết. Tuy nhiên, thời gian gần đây ghi nhận số ca tăng lên, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Trần Minh).
Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan đã ghi nhận ca mắc. Với 2 ca tại Hàn Quốc đều là người từ vùng dịch về, chưa ghi nhận trong nước.
Đến ngày 24/7, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn.
Theo BS Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam Việt Nam chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng.
"Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao", BS Hiên nhấn mạnh.
Đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, có thể ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não.
Việt Nam khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị
Nhiều chuyên gia cho rằng Cục Y tế Dự phòng có đánh giá xem tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ có phải bệnh truyền nhiễm nhóm A không để có kế hoạch về sau. Về vấn đề giám sát Việt Nam chưa ghi nhận nhưng nguy cơ lây qua cửa khẩu, khách nhập cảnh lớn vì thế chúng ta cần tăng cường giám sát tại cửa khẩu, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia đang có dịch, cần có tuyên truyền, có pano, thông tin, tờ rơi…
Đồng thời, cần giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng. Theo WHO cơ bản các ca mắc là nam giới chiếm 98%, trong đó đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới tương đối cao.
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (bên trái) (Ảnh: Trần Minh).
Về năng lực xét nghiệm ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Cục Y tế Dự phòng đã phối hợp với các Viện đề nghị WHO, CDC hỗ trợ các sinh phẩm, quy trình xét nghiệm. Đến nay, WHO đã khẳng định cung cấp mồi như trứng dương cho 4 Viện.
"Tuy nhiên, chúng tôi đang đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán vì chúng ta chưa có quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đang đợi nhận bộ mồi và trứng dương của WHO cung cấp", ông Đức Anh nói.
Về vaccine, theo thông tin CDC Hoa Kỳ có 2 loại vaccine được FDA cấp phép sử dụng. Đây đều là vaccine có thành phần virus sống, sử dụng hai liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần, cho những người trên 18 tuổi, tuy nhiên vẫn đang thảo luận về cách sử dụng. Trong khuyến cáo thì sử dụng cho nhóm nguy cơ rất cao, người phơi nhiễm, không sử dụng đại trà.
TS Nguyễn Lương Tâm Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam được WHO xếp thuộc vào nhóm 1-nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nước ta đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa... được quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25.6.2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.