Tại hội nghị sơ kết kỹ thuật tim mạch can thiệp diễn ra ngày 8/9, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết ở vùng bán đảo Cà Mau nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, nếu người bệnh cần chuyển lên đến TPHCM thì phải mất khoảng 5-6 giờ. Nếu bệnh nhân mắc tim mạch cấp điều trị tại tỉnh, trong 3 giờ đầu cực kỳ quan trọng. Do đó, phát triển tim mạch kỹ thuật cao sẽ giúp cho người dân được hưởng lợi rất lớn.
"4 năm qua có hơn 30 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp nặng ở Bạc Liêu đã thoát khỏi cửa tử trong gang tấc nhờ sự can thiệp kịp thời của đơn vị tim mạch can thiệp. Trong số này có những ca hơn 90 tuổi", ông Nam thông tin.
Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Tùng, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu khẳng định, nếu không triển khai đơn vị kỹ thuật tim mạch can thiệp ở ngay tại địa phương thì nhiều bệnh nhân mắc bệnh ở lại cũng chết, đi cũng chết. Nếu triển khai tốt, chúng ta sẽ cứu sống rất nhiều bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Thanh Vũ cho biết, bệnh lý mạch vành mạn tính được xem là "kẻ giết người thầm lặng". Hiện nay, bệnh lý mạch vành có số ca tử vong cao hàng đầu trên thế giới, với hơn 17,9 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó có đến 85% do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì các bệnh lý tim mạch, chiếm khoảng 33% tổng số ca tử vong trên cả nước.
Bác sĩ triển khai điều trị tim mạch can thiệp cho bệnh nhân (Ảnh chụp lại từ bệnh viện: Huỳnh Hải).
"Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh như sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, lo âu, căng thẳng kéo dài, lười vận động,… là những nguyên nhân hàng đầu khiến độ tuổi mắc các bệnh lý về tim mạch ngày càng trẻ hóa", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo giới chuyên môn, kỹ thuật tim mạch can thiệp có thể thực hiện cấp cứu cho người đột quỵ tim cấp do tắc động mạch vành, với khả năng thành công cao hơn 97% nếu bệnh nhân đến chữa trị sớm.
Việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và can thiệp đúng thời điểm là những yếu tố tiên quyết giúp việc điều trị thành công, tránh biến chứng đáng tiếc như tử vong do nhồi máu cơ tim cấp, suy tim cấp do hoại tử thành cơ tim.
Bác sĩ Nguyễn Thượng Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch kiêm Trưởng khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM), cho rằng bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa. Ông từng biết có bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp chỉ mới 29 tuổi.
"Với bệnh nhân liên quan đến nhồi máu cơ tim cấp điều trị càng sớm càng tốt. Quá thời gian vàng, chuyển đi không kịp bệnh nhân dễ tử vong, nếu sống thì sức khỏe người bệnh cũng không được bình thường như trước. Do đó, tim mạch can thiệp là cánh tay nối dài của điều trị tim mạch, mang lại cải thiện sức khỏe, giảm tử vong ", bác sĩ Nghĩa lưu ý.