Lễ Khởi động Dự án Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Đây là ý kiến mà các quỹ đầu tư, chuyên gia đưa ra tại Lễ Khởi động và Ký kết hợp tác Dự án Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 được tổ chức ngày 8/9 tại Bộ KH&CN.
Đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn cầu. Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures, đổi mới sáng tạo là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế số, đặc biệt nền kinh tế số hiện nay đã chiếm khoảng 8% GDP quốc gia và theo kỳ vọng của Chính phủ, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP quốc gia.
Trong sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì nguồn vốn là một trong những yếu tố rất quan trọng và cấp thiết. Trước năm 2018, hầu như mỗi năm chỉ có khoảng 50-100 triệu USD tổng số tiền đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Năm 2018 được xem là năm có bước tăng vượt bậc khi có đến 450 triệu USD đổ vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Năm 2019 có sự tăng trưởng lên đến hơn 870 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2020, hệ sinh thái có bước chững lại vì ảnh hưởng của COVID-19 với tổng số tiền đầu tư chỉ 421 triệu USD.
"Thời điểm đó chúng tôi rất lo lắng vì chúng tôi là các quỹ đầu tư nội địa, khi nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài gần như chậm lại, sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp", bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết.
Song với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các nhà sáng lập, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng. Năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy nhận định với cơ sở này, tổng nguồn vốn đầu tư sẽ thiết lập kỷ lục mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo ông Phùng Văn Đông, Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay khi COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu và trong mọi lĩnh vực, nhiều hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường có thể bị lạc hậu chỉ trong vài tháng. Chính vì thế đổi mới sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy khả năng thích ứng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bất kỳ ngành nghề, hoạt động kinh doanh sản xuất nào luôn tồn tại những đối thủ cạnh tranh cùng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau. Vì vậy, đổi mới sáng tạo còn giúp cho doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt. Đồng thời đây cũng là chìa khóa để doanh nghiệp đạt được thành công trong chuyển đổi số.
Nhấn mạnh đến văn hóa đổi mới sáng tạo, ông Phùng Văn Đông cho rằng, những doanh nghiệp lớn trên thế giới như Apple, Microsoft, Google đều xây dựng được văn hóa đổi mới sáng tạo.
"Nhiều đối tác, chuyên gia đánh giá nền kinh tế của Việt Nam đang cực kỳ năng động trong khu vực và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Con người Việt Nam rất sáng tạo, nhưng điều quan trọng là chúng ta có thực hành văn hóa đổi mới sáng tạo đó không", ông Phùng Văn Đông bày tỏ quan điểm.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, Bộ KH&CN vừa tổ chức Hội nghị giao ban vùng các tỉnh phía bắc, tại hội nghị đã công bố kế hoạch triển khai Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Trong đó có nhiệm vụ hết sức quan trọng là đo lường chỉ số đổi mới sáng tạo của các địa phương và quốc gia, từ đó biết được địa phương mạnh điểm gì, yếu điểm gì, để có những định hướng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Và trên bình diện quốc gia, Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế có thuận lợi, khó khăn như thế nào để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TIN LIÊN QUAN
Vốn đầu tư 'đổ mạnh' vào đổi mới sáng tạo
Số thương vụ đầu tư vào công nghệ đạt mức cao nhất trong 5 năm
Ông Phạm Hồng Quất kỳ vọng các đối tác chiến lược và cả cộng đồng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ đầy thử thách này.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, năm nay là năm thứ 2 Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam được thực hiện với tên gọi "Vùng đất sáng tạo" (InnoNation) để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo mở ngày một sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp nội địa.
Báo cáo cập nhật các thông tin về đổi mới sáng tạo mở dành cho doanh nhân, công ty khởi nghiệp, tập đoàn lớn và nhà đầu tư tại Việt Nam và toàn cầu. Nguồn dữ liệu trong báo cáo được tư vấn và bảo đảm uy tín thông qua đội ngũ hơn 60 chuyên gia đầu ngành và các nhà sáng lập, start-up uy tín hàng đầu...
Hoàng Giang