TTO - Từ trường hợp của bà ngoại, bạn đọc Trịnh Kỳ An cho rằng điệp khúc "hết vật tư y tế" đã làm khổ biết bao bệnh nhân. Đã đến lúc cần phải khắc phục tình trạng này để giúp người bệnh có đủ điều kiện thuốc men và chữa bệnh phù hợp.
- Vá hoài không kín lỗ thủng thiếu thuốc
- Có hay không nguy cơ Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương Hà Nội đóng cửa vì thiếu thuốc tê?
Nhiều bệnh viện tại TP.HCM hết huyết thanh kháng nọc rắn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục
Bạn đọc làm báo
xin giới thiệu bài viết này.
Những ngày gần đây, tình trạng thiếu thuốc điều trị cũng như vật tư y tế đang khiến cho nhiều người bệnh khốn đốn và khổ sở hơn bao giờ hết.
Điển hình như trường hợp của bà ngoại tôi. Vào tháng trước, trong một lần không may, bà tôi đã bị ngã dẫn đến gãy cổ chân, lệch khớp háng.
Quá lo sợ, tôi vội vã đưa bà ngoại vào một bệnh viện tuyến trung ương của thành phố. Sau khi chẩn đoán, gia đình được hẹn lịch mổ thay khớp háng cho bà ngoại.
Tuy nhiên, vào sáng hôm sau, sau một đêm nhịn ăn, bà ngoại tôi hy vọng chiều mình sẽ sớm thoát khỏi cơn đau hành hạ vì phải nằm một chỗ nhiều ngày. Khoảng độ 3 giờ chiều, bà tôi được sắp xếp đẩy vào phòng mổ.
Nhưng chỉ 15 phút, sau khi bà tôi được cắm các ống truyền vào người thì cả gia đình tôi được gọi lên phòng mổ đưa bà về phòng vì lý do "hết vật tư y tế".
Do quá bức xúc và xót bà đau đớn vì gần một tuần bị gãy cổ xương đùi, tôi có phản ảnh với bệnh viện về việc không hề nhận được thông báo gì về chuyện thiếu vật tư ngay từ đầu.
Tuy nhiên, bác sĩ chỉ lý giải với gia đình tôi là hiện bệnh viện đang phải xử lý một số ca cấp cứu nghiêm trọng dẫn tới thiếu hụt vật tư.
Bệnh viện dù đã hứa hẹn rằng một ngày sau đó sẽ sắp xếp để mổ sớm cho bà tôi nhưng cảm giác bất an vẫn bao trùm cả gia đình tôi. Cũng may, sau đó ca mổ của bà tôi đã được diễn ra.
Tình huống tương tự cũng diễn ra với người bạn học của tôi sống tại Bình Dương. Bạn tôi vốn mắc bệnh suy thận trầm trọng, nên sau khi ghép thận phải uống thuốc chống thải ghép.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 vừa qua, tại bệnh viện nơi bạn điều trị, nhiều bệnh nhân ghép thận như bạn tôi đã không được cấp phát thuốc chống thải ghép, vốn được bảo hiểm y tế chi trả, với lý do rất đơn giản do bệnh viện không còn thuốc.
Đứng trước những khó khăn ấy, để bảo đảm sự an toàn và sức khỏe cho chính mình, chị bạn tôi đã phải chấp nhận nhờ người nhà tự tìm mua thuốc ngoài thị trường với khoản tiền không hề nhỏ.
Rõ ràng, đến thời điểm này, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế không còn là câu chuyện đơn lẻ chỉ xảy ra ở một vài bệnh viện. Cũng bởi những vụ việc tương tự như thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm hay vật tư, trang thiết bị liên tiếp diễn ra tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế khác nhau.
Tình trạng này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các bệnh nhân trong quá trình điều trị, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc cán bộ hưu trí không có nhiều thu nhập, đến bệnh viện khám chữa bệnh và muốn mua thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện để uống cho đỡ tiền nhưng gặp phải tình trạng hết thuốc.
Thiết nghĩ, việc chữa bệnh nhờ vào bảo hiểm nhưng cứ phải đi mua thuốc bên ngoài thì bất kỳ người nghèo, có thu nhập thấp nào cũng e ngại.
Bệnh nhân, những người vốn được thụ hưởng sự chăm sóc sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm y tế, nay lại là những người bất đắc dĩ phải gồng gánh tất cả những thiếu thốn ấy.
Đáng lưu tâm nhất là với những bệnh nhân ung thư nghèo, việc chờ đợi không chỉ lấy đi tiền bạc của họ, mà còn lấy đi thời gian sống quý giá.
Cũng bởi tình trạng thiếu thuốc, thiếu hụt vật tư y tế đang là vấn đề trầm trọng, đáng lo ngại có xuất phát điểm từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan trong ngành y tế.
Điều đáng lưu tâm là sự thiếu hụt nhiều loại dược phẩm trong các cơ sở khám chữa bệnh sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe của người dân. Thực trạng này không chỉ diễn ra tại các bệnh viện tuyến dưới mà ở các bệnh viện tuyến trung ương kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với một người bạn của tôi trong ngành y tế, tôi được biết rằng căn nguyên cho thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đa phần đến từ tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không tổ chức đấu thầu sau hàng loạt sai phạm vừa bị khởi tố, điều tra, xử lý.
Không chỉ các loại thuốc đặc biệt hay thuốc gốc, mà nhiều loại thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả cũng thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thốn.
Đáng lưu tâm hơn là trong bệnh viện thì thiếu nhưng khi người bệnh tìm mua ngoài nhà thuốc tư nhân thì gần như có đủ. Do đó, vấn đề bệnh nhân khám chữa bệnh tại các bệnh viện hết sức khốn khổ và tốn kém.
Với cơ chế đấu thầu thuốc, vật tư y tế quá phức tạp và tâm lý sợ trách nhiệm cộng với nhiều vụ việc quan chức y tế, giám đốc bệnh viện bị bắt thời gian qua đã gây chấn động mạnh đối với nhân sự ngành y, khiến nhiều người không tránh được nỗi lo sợ làm sai, bị truy cứu trách nhiệm, nên buộc phải chọn giải pháp an toàn, dẫn đến tình trạng thiếu thốn thuốc và vật tư y tế tràn lan.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải khắc phục tình trạng này để giúp người bệnh có đủ điều kiện thuốc men và chữa bệnh phù hợp.
Bao giờ hết thiếu thuốc giải độc?
TTO - Tình trạng thiếu thuốc giải độc liên tục xảy ra gần đây trên cả nước như huyết thanh kháng độc rắn, giải độc tố botulinum… Mới đây nhất là Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc trong danh mục thuốc giải độc.
TRỊNH KỲ AN