Trang Chủ > Sức khỏe > Dịch Covid-19 gia tăng trở lại

Dịch Covid-19 gia tăng trở lại

Sài Gòn Giải Phóng
07/09/2022 08:48:41

Áp lực lại “đè” bệnh viện

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu như từ tháng 5 đến hết tháng 7-2022, bệnh viện không tiếp nhận, điều trị ca mắc Covid-19 nào thì bắt đầu từ tháng 8-2022, lượng bệnh nhân mắc dịch bệnh này tăng đột biến. Bác sĩ Tôn Thất Quang Thắng, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, hiện có 41 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại khoa, trong đó có 21 trường hợp nặng và nguy kịch.

“Hơn 60% bệnh nhân được chuyển lên từ các tỉnh lân cận với bệnh nền nặng. Mỗi ngày có 3-4 ca nặng phải thở máy. Áp lực điều trị tại bệnh viện đang tăng trở lại. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 hiện nay là 30%, đặc điểm chung là người trên 70 tuổi, 100% có bệnh nền, chưa tiêm hoặc tiêm vaccine chưa đủ liều”, bác sĩ Tôn Thất Quang Thắng thông tin.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hai tháng qua, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 bệnh nhi mắc Covid-19 đến khám và điều trị. Bác sĩ Võ Thành Luân, Phó khoa Hồi sức Covid-19 - Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, số trẻ mắc Covid-19 cần phải nhập viện theo dõi cũng tăng lên 5-8 ca/ngày. Đa số trẻ có bệnh nền kèm theo, như viêm đường hô hấp trên, có bệnh nền. Một số ít bị viêm phổi phải thở oxy, tuy nhiên không có trẻ thở máy hay chạy ECMO.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương những ngày gần đây, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện liên tục tăng mạnh. Theo các bác sĩ, trong số các bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại bệnh viện, có hàng chục trường hợp phải thở máy, thở oxy. Hầu hết bệnh nhân nặng là người cao tuổi hoặc có nhiều bệnh nền như: phổi tắc nghẽn mãn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch...

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, dù tới thời điểm này, số bệnh nhân Covid-19 nặng đang tăng nhưng các khu điều trị của bệnh viện chưa bị quá tải. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra áp lực không nhỏ đối với y, bác sĩ. Các trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị hầu hết là người không tiêm vaccine, hoặc tiêm chưa đủ liều dẫn tới diễn biến nặng hơn.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân của việc gia tăng bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện tuyến trên là do nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tuyến dưới có xu hướng đóng cửa. Cùng với đó, do thời gian tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 đối với nhiều người đã qua hơn 6 tháng nên hiệu lực vaccine giảm, bệnh nhân dễ mắc Covid-19 trở lại, khi mắc sẽ nặng hơn. Vì vậy, việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 rất quan trọng với người có yếu tố nguy cơ cao, người có bệnh nền.

Trước thực trạng số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Tiến độ tiêm vaccine còn chậm

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, trong tuần qua, cả nước ghi nhận khoảng 18.400 ca mắc Covid-19, trung bình 2.700 ca/ngày. Không ít ngày, số ca mắc mới vượt mốc 3.500 ca. Cùng với đó, số bệnh nhân nặng cũng gia tăng, thường hơn 100 ca/ngày, thậm chí có ngày cao điểm vượt 200 ca, trong khi vào tháng 6 và tháng 7-2022, số bệnh nhân nặng chỉ ở mức 20-30 ca/ngày. Dù vậy, tới thời điểm này, số ca tử vong do Covid-19 vẫn đang được kiểm soát ở mức 1-2 ca/ngày.

Theo các chuyên gia dịch tễ, việc xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) ở nước ta đã  khiến ca mắc mới Covid-19, bệnh nhân nặng nhập viện gần đây tăng mạnh. Trong số nhiều mẫu bệnh phẩm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM làm giải trình tự gene thời gian qua cho thấy, biến thể phụ BA.4, BA.5 chiếm hơn 70%, và các biến thể phụ này đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Đáng lưu ý, qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine Covid-19.

Qua rà soát của Bộ Y tế, hiện tại ở một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vaccine Covid-19 chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi còn thấp. Cùng với đó, việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, như: người từ 50 tuổi trở lên, người có hệ miễn dịch bị suy giảm từ mức độ vừa trở lên; người hoạt động trong các lĩnh vực ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh như y tế, vận tải, dịch vụ, thương mại, lực lượng vũ trang, giáo viên, công nhân.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ rõ, các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vaccine. Đồng thời, các cơ sở điều trị phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, tử vong; tăng cường giải trình tự gene với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong để đánh giá, theo dõi biến thể virus trong tình hình mới. Các địa phương đánh giá lại nguồn lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực chuẩn bị cho phương án 4 tại chỗ.

Cùng với đó, Bộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và các bệnh viện yêu cầu rà soát, chấn chỉnh, tăng cường thu dung, quản lý, điều trị ca bệnh Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương và đơn vị chức năng bố trí nhân lực theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 nhập viện để phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế tử vong; tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Tuyệt đối không từ chối điều trị

Tuần qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM có sự gia tăng nhanh (khoảng 160 ca/ngày), số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 74 ca/ngày. Hiện có 13 ca thở máy, 1 ca lọc máu. Trong 4 tuần qua, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế, hiện TPHCM chưa phát hiện biến thể BA.2.74.

Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện tăng cường phối hợp trong việc chuyển bệnh nhân cấp cứu, nhất là các trường hợp mắc Covid-19 nặng. Trung tâm Cấp cứu 115 có trách nhiệm sơ cấp cứu và vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 tự đến hoặc do Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến. Không vì thủ tục hành chính hoặc vì bất cứ lý do gì mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh. Đồng thời, tăng cường tư vấn từ xa, hội chẩn, quy trình báo động đỏ trong công tác cấp cứu, điều trị các trường hợp bệnh nặng, nhất là các trường hợp Covid-19 diễn tiến nặng.

TS-BS LÊ QUỐC HÙNG, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy: Kháng thể bảo vệ của vaccine giảm sau 6 tháng

Tình hình số ca mắc Covid-19 tăng trở lại đã được dự báo và chuẩn bị từ trước. Từ tháng 12-2021, vaccine Covid-19 được phủ rộng rãi ở các địa phương, cùng số người bị mắc Covid-19 nhiều, nên phía Nam có nền miễn dịch cộng đồng khá tốt.

Ca bệnh Covid-19 từ tháng 2 tới tháng 7-2022 giảm rất sâu. Nhưng với các vaccine Covid-19 hiện có, sau 6 tháng, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm xuống nếu không tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, người dân có tâm lý chủ quan vì dịch đã ổn định, ý định tiêm vaccine cũng giảm hẳn.

Đúng như dự báo, ca Covid-19 từ tháng 8-2022 đã tăng. Vì vậy, để bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng, bên cạnh 2K (khẩu trang, khử khuẩn), vaccine là vũ khí tối ưu nhất. Đặc biệt, người có bệnh nền cần tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt, nhất là trong bối cảnh nhiều biến thể mới xuất hiện, nếu ứng phó không tốt, dịch bệnh có thể kéo dài hơn nữa.

THÀNH AN - NGUYỄN QUỐC

Từ khoá :

Dịch Covid-19 Bộ Y tế tiêm vaccine

Các tin, bài viết khác

Phạt 15 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân với số tiền 715 triệu đồng

Cận Tết Trung thu, tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo

Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm Giám đốc Trung tâm Y tế TP Phan Thiết

Hơn 7.000 trẻ em được tiêm vaccine Covid-19 trong những ngày nghỉ lễ

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế để khám chữa bệnh cho người dân

Ngày 5-9, thêm 2 F0 tử vong và hơn 20.700 người khỏi Covid-19

Biến thể phụ BA.5 chiếm đa số ca mắc mới Covid-19

Ngày 4-9, số ca mắc Covid-19 giảm nhẹ, có 1 F0 ở Thanh Hóa tử vong

Người mắc sốt xuất huyết không nên tự điều trị và truyền dịch tại nhà

Ngày 3-9, thêm 1.595 ca mắc Covid-19 và 1 F0 ở Khánh Hòa tử vong

Xem thêm