Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đây vài ngày, người bệnh có hiện tượng khó thở nhiều, đau ngực, nhất là khu vực thượng vị đau dữ dội lan ra sau lưng… Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện và được chuyển cấp cứu lên bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp. Sau đó người bệnh được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E trong tình trạng khó thở, mệt nhiều, da tái lạnh, huyết áp tụt, xét nghiệm men tim tăng cao bất thường…
Bệnh nhân được điều trị sốc tim bằng kỹ thuật ECMO
Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu với các biện pháp thở máy nội khí quản, đặt đường truyền tĩnh mạch, siêu âm tim và các loại thuốc vận mạch, trợ tim liều cao… nhưng không nâng được huyết áp của bệnh nhân lên mức đảm bảo tưới máu các tạng trong cơ thể. Các bác sĩ nghĩ đến người bệnh bị viêm cơ tim có biến chứng sốc tim với nguy cơ tử vong cao và được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E. Tình trạng người bệnh diễn biến nặng nguy kịch, phải sốc điện tim 5 lần.
Dưới sự chỉ đạo của TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E yêu cầu “các chuyên khoa phải dồn toàn lực để cứu sống được người bệnh”, các bác sĩ thống nhất chỉ định kỹ thuật ECMO - VA (hệ thống tim phổi nhân tạo) nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho người bệnh. “Ngay sau khi hệ thống ECMO được “kích hoạt”, oxy máu của người bệnh được đảm bảo, các chỉ số huyết động dần ổn định, tình trạng người bệnh cải thiện rõ rệt, các chỉ số sinh tồn ổn định, giảm liều thuốc vận mạch. Hy vọng sống của người bệnh được “thắp lên” theo từng vòng quay của hệ thống ECMO”, TS.BS Đỗ Quốc Phong, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, trực tiếp điều trị và theo dõi bệnh nhân chia sẻ.
Trong quá trình điều trị và chạy ECMO, do người bệnh tuổi cao, nguy cơ diễn biến khó lường, có nhiều thời điểm tình trạng người bệnh diễn biến nguy kịch, oxy xuống rất thấp, hệ thống hồi sức tích cực được báo động đỏ liên tục, các bác sĩ, điều dưỡng luôn luôn phải túc trực 24 giờ/ngày và tiến hành hội chẩn liên tục các chuyên khoa để tìm phương án tối ưu cho người bệnh. Cuối cùng, sau 7 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo, được bỏ ECMO, bỏ máy thở rút ống nội khí quản, thở oxy qua gọng kính, chức năng tim co bóp tốt, không đau ngực, ngừng duy trì thuốc vận mạch.
Hiện sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, tự ăn uống và trao đổi cùng nhân viên y tế và được chuyển sang khoa Nội tim mạch người lớn để tiếp tục theo dõi và điều trị các bệnh lý kèm theo. TS.BS Phan Thảo Nguyên cho hay, kỹ thuật ECMO được Bệnh viện E triển khai từ lâu và áp dụng thường quy trong phẫu thuật tim mạch. Gần đây, kỹ thuật ECMO được áp dụng triển khai trên một số ca bệnh suy hô hấp nặng do viêm phổi hay trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc tim do nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…
Q.HOA