Trang Chủ > Sức khỏe > Dấu hiệu nhận biết và các dạng bệnh cảnh khi mắc bệnh nấm đen

Dấu hiệu nhận biết và các dạng bệnh cảnh khi mắc bệnh nấm đen

PLO
28/09/2022 11:11:08

Nấm đen hay còn gọi là Mucormycosis là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm do nhóm nấm mốc có tên Mucormycetes gây ra.

Bệnh nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển. Nó có thể dẫn đến mũi bị hoại tử thâm đen hoặc đổi màu, đau mặt, đau vùng xoang lan lên mắt, đau đầu, đau ngực, khó thở và ho ra máu…

Dấu hiệu nhận biết và các dạng bệnh cảnh khi mắc bệnh nấm đen-1

Hình ảnh phim chụp tổn thương sọ não và xoang ở bệnh nhân nhiễm nấm đen.

Nấm đen gây ra 5 dạng bệnh cảnh như sau:

Nhiễm trùng xoang và não : Nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận. Các dấu hiệu của dạng bệnh này là sốt, đau đầu, đau xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.

Viêm phổi : Khó thở hoặc thở gấp, tức ngực, sốt cao trên 38 độ C, ho ra máu.

Nhiễm trùng da và niêm mạc : Thường gặp ở người không bị suy giảm miễn dịch với các dấu hiệu như đau vùng mặt sau đó xuất hiện một nốt phỏng trên da, dần dẫn tới loét da hoặc nhiễm trùng da, rồi xâm lấn vào mũi xoang, quanh gò má, giữa mắt và môi. Lâu dần tổn thương da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen, sưng tấy, hoại tử.

Nhiễm trùng đường tiêu hoá: Thường ở trẻ em, đặc biệt trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi với các dấu hiệu buồn nôn và nôn, đau bụng hoặc đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.

Nhiễm nấm đen mucormycosis lan tỏa : Thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, do vậy các dấu hiệu bệnh khó phân biệt với các bệnh đang có sẵn.

Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương, gây hôn mê hoặc rối loạn ý thức.

Các dấu hiệu có thể gặp: sưng mí mắt dưới hoặc trên (hoặc cả hai), chảy mủ ra khỏi mắt, tê liệt các cơ mí mắt, bệnh diễn tiến nặng hoặc kéo dài, toàn thân suy sụp.

Chẩn đoán bệnh nấm đen hiện nay dựa vào bệnh cảnh lâm sàng kết hợp với xét nghiệm nuôi cấy hoặc giải phẫu bệnh có ý nghĩa trong việc xác định chẩn đoán. Tuy vậy việc chẩn đoán cũng còn khó khăn vì triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp, bệnh phẩm nuôi cấy khó mọc cũng như cần có các nhà giải phẫu bệnh học có kinh nghiệm để đọc tiêu bản.

PGS.TS ĐỖ DUY CƯỜNG - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

NHƯ LOAN (ghi)

Tin liên quan

Hơn 20 người bị nấm đen ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt