Vừa đi học là ốm
Chị Dung (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết con gái chị học lớp 2 vừa đi học được 1 tuần thì con về nhà than đau bụng, buồn nôn. Sau đó, bé bị sốt cao liên tục gần 40 độ. Chị Dung cho con uống hạ sốt nhưng không giảm.
Bé vừa đau bụng vừa sốt, chị vội vàng cho con vào viện kiểm tra vì đang có dịch cúm. Tuy nhiên, kết quả bé bị Covid-19 . Chị Dung rất bất ngờ vì bé đã mắc trước đó vào tháng 3 nên chủ quan nghĩ con không mắc lại nữa.
Còn bé Bin, lớp 3 đang học trường Tiểu học Thanh Liệt, Hà Nội cũng phải nghỉ học sau vài buổi đến trường vì cúm A. Mẹ của Bin cho biết cháu đi học vài hôm về thì bị sốt, ho, đau họng. Sau đó cả nhà đều có triệu chứng như của con. Mẹ bé đưa con đi kiểm tra bác sĩ cho biết bé bị cúm A và cho thuốc điều trị theo dõi tại nhà.
Tại BV Đa khoa An Việt, Hà Nội, bé Nguyễn Tuấn H. 5 tuổi, Hà Nội cũng được mẹ đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, ho, đau họng không ăn được. Mẹ bé cho biết con đi học về sau đó nôn ói và sốt. Chẩn đoán bé bị viêm hô hấp cấp.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhi.
PGS Nguyễn Thị Hoài An –Giám đốc BV Đa khoa An Việt , cho biết hầu như cứ vào mùa tựu trường, cộng với thời tiết giao mùa là số trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính nhiều hơn như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A và đặc biệt hiện còn bệnh Covid-19 lưu hành nữa.
BS An gặp rất nhiều bệnh nhi đến khám vì các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm kết mạc, tiêu hoá như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm và các bệnh sốt siêu vi, do bị lây nhiễm từ môi trường hay từ các bạn cùng lớp.
PGS An cho biết, khi bé có biểu hiện bệnh cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là biểu hiện của bệnh nguy hiểm hay gặp ở các bé như sốt xuất huyết , tay chân miệng…
BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết hiện đang có nhiều dịch xảy ra nên thời điểm tựu trường trẻ có nguy cơ mắc rất nhiều.
Tại Đồng Nai, có gần 60% là trẻ em dưới 15 tuổi, đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Trên địa bàn tỉnh đang có 2 tuýp sốt xuất huyết lưu hành là tuýp D1, D2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn các tuýp D3, D4 và làm tăng nguy cơ bệnh nặng.
Đối với bệnh tay chân miệng, sau một thời gian tạm lắng do học sinh nghỉ hè, dự báo vào dịp học sinh tựu trường và sau đó sẽ gia tăng do học sinh đi học, tiếp xúc với nhau nhiều.
Là giai đoạn giao mùa nên những bệnh về đường hô hấp như cúm, Covid-19, sởi sẽ tiếp tục gia tăng khi học sinh đến trường. Mặc dù những biến chứng của bệnh Covid-19 ở trẻ nhỏ không nặng như người lớn, người già nhưng vẫn có thể mắc bệnh, ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ và sinh hoạt của cả gia đình trẻ bị mắc bệnh.
Dấu hiệu các bệnh
PGS An khuyến cáo, trẻ bị mắc sốt xuất huyết có các dấu hiệu: Sốt cao đột ngột, đau đầu (thường đau sau hố mắt), mệt mỏi, đau cơ, khớp, buồn nôn và nôn, chảy máu cam, chảy máu chân răng...
Bệnh tay chân miệng, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện: Loét họng, thường kèm theo chảy nước miếng nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú; sẩn hồng ban là những chấm đỏ có thể có bóng nước thường nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối và vùng mông.
Bệnh cúm, trẻ có các dấu hiệu phổ biến như: Ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể.
Để phòng tránh những bệnh này, PGS An khuyến cáo cha mẹ cần chú ý:
Tiêm ngừa đầy đủ: Tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ có kháng thể chống lại các bệnh.
Bổ sung vitamin C vào chế độ ăn để nâng cao sức đề kháng cho bé vào mùa nắng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: Bàn tay là nơi chứa rất nhiều loại vi khuẩn do đó rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo cho bé ngay sau di học về để loại bỏ bụi bẩn cũng như vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến bé.
Hàng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần bằng dung dịch nước muối loãng Natri Clorid 0,9% để làm sạch mũi, mắt mỗi khi trẻ ra đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc chất gây ô nhiễm.
>> Xem thêm: Hà Nội dự kiến xem xét cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông