Trang Chủ > Sức khỏe > 'Chỉ điểm' đơn giản qua app các ổ dịch sốt xuất huyết

'Chỉ điểm' đơn giản qua app các ổ dịch sốt xuất huyết

Tuổi Trẻ
21/08/2022 08:02:03

TTO - Với ứng dụng “Y tế trực tuyến”, người dân TP.HCM có thể ở nhà “chỉ điểm” các ổ dịch sốt xuất huyết xung quanh nơi sinh sống. Chỉ trong vòng 48 giờ, cơ quan y tế sẽ cử nhân viên xuống tận nơi điều tra dập dịch.

  • TP.HCM: Thêm 1 ca tử vong vì sốt xuất huyết, đang điều trị 147 ca bệnh nặng
  • Đoàn viên, thanh niên Đồng Nai ra quân phòng chống sốt xuất huyết
  • Số ca nhiễm và tử vong tăng cao, Đồng Nai đồng loạt ra quân phòng chống sốt xuất huyết

Ứng dụng Y tế trực tuyến là "con đẻ" của ngành y tế được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2020. Mới đây, ứng dụng này một lần nữa cập nhật tình hình sốt xuất huyết khi dịch này bùng phát mạnh.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau hơn 10 ngày áp dụng (từ ngày 8-8) đến nay ứng dụng đã nhận hơn 70 phản ánh từ người dân về các điểm nguy cơ và ổ dịch sốt xuất huyết.

Khi ổ dịch được "tung" lên mạng

'Chỉ điểm' đơn giản qua app các ổ dịch sốt xuất huyết-1

Chỉ cần ngồi ở nhà, người dân có thể phản ánh tình hình các ổ dịch ở quanh nơi mình sống - Ảnh: HCDC cung cấp

Lúc 17h ngày 17-8, trên màn hình ứng dụng "Y tế trực tuyến" của Thanh tra Sở Y tế sáng đèn, tin nhắn kèm hình ảnh chỉ điểm nguy cơ dịch sốt xuất huyết là tại một công trình trên đường Võ Văn Kiệt, phường 3, quận 6.

"Dịch sốt xuất huyết mức độ 2, nước đọng trên các tầng lầu" - từ tin nhắn "giấu mặt", lập tức Thanh tra Sở Y tế chuyển thông tin đến UBND phường 3 (quận 6) vào cuộc xác minh.

Đến trưa 18-8, tức chỉ sau khoảng 18 tiếng đồng hồ việc xác minh hoàn tất, tổ công tác của UBND phường 3, quận 6 đã gửi biên bản đến người phụ trách quản lý dự án và tiến hành kiểm tra, thu dọn nguy cơ tại công trình bỏ hoang này trong cùng ngày.

Đại diện quản lý thầu công trình này cũng cam kết không tái phạm, đồng thời nhanh chóng đưa ra phương án diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm xung quanh công trình.

Ông Liên Chí Quang - phó chủ tịch UBND phường 3, quận 6, cho biết tình hình trên địa bàn cơ bản ổn định, người dân có ý thức cao trong việc phòng chống sốt xuất huyết.

"Ngoài nhận thông tin từ ứng dụng, hằng tuần phường cũng chỉ đạo các khu phố ra quân phát quan bụi rậm, dọn dẹp nơi sống để tránh muỗi phát sinh. Người dân đã có ý thức cài đặt ứng dụng và trở thành ‘tai mắt’ giúp địa phương kịp thời xử lý các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng", ông Quang nói.

Dập nhiều ổ dịch từ ứng dụng trực tuyến

'Chỉ điểm' đơn giản qua app các ổ dịch sốt xuất huyết-2

Đại diện nhà thầu công trình trên đường Võ Văn Kiệt (phải) được mời làm việc tại UBND phường 3, quận 6 vì công trình này phát sinh nguy cơ bùng phát dịch - Ảnh: KIỀU HẠNH

Theo HCDC, trước đó đã có 51 điểm nguy cơ sốt xuất huyết được phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" và đã được xử lý triệt để.

Ghi nhận của

Tuổi Trẻ Online

cho thấy chỉ riêng sáng 19-8 ghi nhận 2 trường hợp phản ánh và HCDC đang kiểm tra và bàn giao đến UBND địa phương để xử lý trong vòng 48 giờ.

Nội dung phản ánh chủ yếu ở các điểm công trình, xưởng chứa vỏ xe, bãi phế liệu, bãi rác tồn động nước trở thành nguồn sinh sản lăng quăng và muỗi vằn gây bệnh. Ngoài ra, còn những địa điểm có nhiều người sốt không rõ nguyên nhân cần được xem xét và xử lý đúng theo hướng dẫn phòng dịch.

Cũng nhờ ứng dụng này, UBND xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) kiểm tra 16 cơ sở và hộ gia đình, trong đó có 6 cơ sở kinh doanh không thực hiện vệ sinh môi trường để phát sinh lăng quăng, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính xử phạt tổng số tiền 12 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phước Thành - phó chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng cho biết: "Ứng dụng kết nối trực tiếp người dân với chính quyền địa phương, khi có vấn đề, phường sẽ xử lý ngay giúp đẩy nhanh tiến độ dập dịch nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều".

Cùng nằm trên địa bàn, xã Bà Điểm cũng là một trong những điểm nóng phát sinh dịch sốt xuất huyết. Địa phường cũng là nơi điển hình áp dụng ứng dụng này trong quản lý, khoanh vùng dập dịch.

Khẳng định ứng dụng mang đến nhiều hiệu quả trong chống dịch, bà Lưu Thanh Vân - phó chủ tịch UBND xã Bà Điểm nói rằng để khích lệ tinh thần, địa phương còn xem xét đề xuất khen thưởng người dân tích cực hỗ trợ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Phản ánh ổ dịch ra sao?

HCDC cho biết quy trình xử lý thông tin phản ánh của người dân về các nơi có nguy cơ trở thành ổ dịch lây lan bệnh sốt xuất huyết gồm 6 bước.

- Nhắn tin, chụp hình, quay video phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến".

- Thông tin tự động chuyển đến Thanh tra Sở Y tế. Thanh tra Sở Y tế sẽ phản hồi cho người dân bằng tin nhắn qua điện thoại, chuyển thông tin đến UBND quận, huyện và TP Thủ Đức và HCDC xử lý.

- UBND địa phương và HCDC khảo sát và xử lý ổ muỗi và lăng quăng tại những địa chỉ do người dân phản ánh trong vòng 48 giờ và phản hồi về Thanh tra Sở.

- Thanh tra Sở Y tế chuyển ngay thông tin về kết quả xử lý đến người dân đã phản ánh qua ứng dụng. Văn phòng Sở Y tế cập nhật thông tin hàng tuần về các phản ánh công khai trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị.

'Chỉ điểm' đơn giản qua app các ổ dịch sốt xuất huyết-3

TP.HCM: Thêm 1 ca tử vong vì sốt xuất huyết, đang điều trị 147 ca bệnh nặng

TTO - TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 18 ca. Hiện các bệnh viện đang điều trị 1.777 ca sốt xuất huyết, trong đó có 147 ca bệnh nặng.

KIỀU HẠNH