Trang Chủ > Sức khỏe > Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?

Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?

Tuổi Trẻ
20/08/2022 09:16:56

TTO - Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế âm ỉ từ lâu, sau dịch COVID-19 thực tế này càng nhức nhối. Đặc biệt, gần đây nhiều bệnh viện vẫn thiếu nhưng lại ngại báo cáo?

  • Các bệnh viện mổ tim TP.HCM hiện không thiếu thuốc Protamin sulfat
  • Thiếu thuốc dùng phẫu thuật tim là do nhu cầu tăng cao, nguồn cung thiếu
  • 'Thiếu thuốc, vật tư y tế là không công bằng với người bệnh'

Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?-1

Người bệnh khám và chờ mua thuốc tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong khi đó, bệnh nhân phải "âm thầm" mua thêm thuốc bên ngoài hoặc trì hoãn phẫu thuật. Theo các chuyên gia y tế, rõ ràng người bệnh đang chịu nhiều thiệt thòi nếu tình trạng này kéo dài.

Vay mượn thuốc, phẫu thuật cầm cự

Từ giữa tháng 6-2022, công suất mổ tim của Bệnh viện E, Bệnh viện Tim Hà Nội đã buộc phải giảm còn 50% khi thiếu Protamin sulfat - một loại thuốc đông máu không thể thiếu trong phẫu thuật tim - do lo ngại nếu mổ đúng công suất, thuốc không về kịp thì khi gặp các ca cấp cứu sẽ khó giải quyết.

Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cũng phải gửi văn bản đề nghị Bệnh viện Tim Hà Nội nhượng lại 1.000 ống Protamin sulfat.

Nói về lý do "xin nhượng" này, ông Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - khẳng định nguồn cung bị hạn chế nên năm nào các bệnh viện cũng đều phải điều phối cho nhau thuốc Protamin sulfat. Ông khẳng định thuốc này hoàn toàn không liên quan đến đấu thầu, khi thiếu chỉ còn cách sang nhượng giữa các bệnh viện.

"Đồng ý là bệnh viện phải chủ động chuẩn bị nguồn thuốc và vật tư, nhưng có những mặt hàng như Protamin sulfat có lúc cả một thời gian dài không được nhập về. Bệnh viện không ngại ngùng gì cả khi mà tôi còn chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động báo cáo Bộ Y tế để có hướng dẫn giải quyết kịp thời cho người bệnh" - ông Bắc nói.

Song song việc này, ông Bắc cho hay đơn vị đang chuẩn bị các tài liệu để báo cáo đoàn công tác của Bộ Y tế về nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua.

Trong khi các bệnh viện đứng trước nguy cơ khan hiếm Protamin sulfat, giám đốc Viện Tim TP.HCM Bùi Minh Trạng khẳng định đơn vị còn 3.300 ống, có thể dùng được trong vòng 3 tháng.

Tuy nhiên, cách đây vài tháng đơn vị cũng đã chủ động chuẩn bị kế hoạch để mua thêm 18.000 ống để dùng cho bệnh viện và dự trù cho nhiều bệnh viện ở TP.HCM mượn, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy và mới nhất là Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

"Với chúng tôi, mổ tim là quan trọng nhất, không thể dừng, do đó phải lo từ xa nhằm đảm bảo nguồn thuốc duy trì hoạt động" - ông Trạng nói.

Theo ông Trạng, hiện vấn đề phát sinh khó giải quyết là danh sách chờ mổ ngày một nối dài, đến nay đã trên 300 ca. Ông nói: "Không phải muốn tăng là tăng vì còn liên quan đến hồi sức, trang thiết bị và nhân lực. Đầu ra của Viện Tim TP.HCM lâu nay cố định, thường các phẫu thuật viên mổ quần quật cả ngày cũng chỉ được 8 ca, có ngày nhiều ca khó phải mổ tới khuya mới xong. Việc phải chờ đợi khiến một số bệnh nhân nóng lòng, nhưng chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy nhanh nhất có thể" .

Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?-2

Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc để sử dụng, cấp phát cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu nhưng ngại báo cáo!?

Cuối tháng 6, Bộ Y tế chính thức có thông báo về nguyên nhân tình trạng thiếu thuốc và vật tư, trong đó nhấn mạnh "lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh".

Một giám đốc bệnh viện tại TP.HCM cho rằng hiện nay là "thời điểm nhạy cảm", nên khi Sở Y tế yêu cầu báo cáo, một số giám đốc bệnh viện không dám báo cáo.

"Thiếu thuốc, vật tư nhưng sợ bị phê bình nên các bệnh viện không dám thông tin bởi sợ truy trách nhiệm người đứng đầu tại sao để thiếu. Thậm chí trong các cuộc họp trực tiếp với Sở Y tế, khi được hỏi còn thuốc và vật tư không thì các giám đốc bảo còn; nhưng khi hỏi còn nhiều không thì họ mới trả lời còn ít, chỉ dành cho bệnh nhân cấp cứu" - vị giám đốc bệnh viện này nói.

Trong khi đó, theo các đơn vị, vật tư và thuốc được đấu thầu vào bệnh viện hiện nay là từ 3 nguồn bao gồm đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thầu tập trung tại Sở Y tế và tại bệnh viện.

Với đấu thầu tại bệnh viện, quy định hiện hành là giá trúng thầu bằng hoặc thấp hơn giá thị trường vào thời điểm mua, nhưng thời gian vừa qua giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng mạnh khiến nhiều nhà cung cấp thuốc không chấp thuận bán với giá cũ và khi bệnh viện mở thầu thì không doanh nghiệp nào trúng. Tại Bệnh viện Tai mũi họng trung ương (Hà Nội), các thuốc bị thiếu đều ở diện này.

Lãnh đạo Bệnh viện Tai mũi họng trung ương và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đều cho hay dù đã rất năng động tìm nguồn thuốc, vật tư nhưng hiện nay vẫn thiếu. Có hai lý do dẫn đến tình trạng này là đấu thầu nhưng không có doanh nghiệp nào trúng, trúng nhưng không cung cấp hàng và doanh nghiệp cung cấp bị đứt chuỗi cung ứng.

Một nguồn khác là gói thầu tập trung quốc gia thì năm nay đã bị chậm tới 8 tháng. Dù chỉ chiếm 6,75% tổng chi phí sử dụng thuốc mỗi năm nhưng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia đều là biệt dược có số lượng sử dụng lớn tại bệnh viện. Việc gói thầu này bị chậm cũng gây khó cho bệnh viện.

Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?-3

Nguồn: Tờ trình của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT. - Đồ họa: TUẤN ANH

Tăng chủ động, "siết" các gói thầu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định đơn vị có văn bản yêu cầu tất cả lãnh đạo bệnh viện đóng trên địa bàn phải báo cáo hằng tuần về mức độ sử dụng thuốc, vật tư y tế và phải có xác nhận tính chính xác của báo cáo này.

Sau một thời gian "siết", ông cho rằng hiện thuốc và vật tư y tế đã được điều tiết và cung ứng tạm ổn tại các cơ sở y tế. Theo ông, cần phải định nghĩa lại thiếu thuốc và vật tư là thiếu ở mức độ và tính chất nào.

Ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết đến nay thuốc phóng xạ sử dụng cho chụp PET/CT (chẩn đoán ung thư sớm) được cung ứng từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy đã "tạm ổn". Sự "tạm ổn" là so với thực tế cách đây vài tháng.

"Nhu cầu rất lớn trong khi thuốc cung ứng hạn chế, do đó không thể đáp ứng mong muốn của bệnh viện và bệnh nhân. Nhưng có còn hơn không...", ông Dũng nói. Nếu như công suất của hệ thống chụp PET/CT khoảng 20 ca/ngày thì lượng thuốc phóng xạ cung ứng từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ đủ thực hiện 7 ca/ngày.

Ngoài một số loại thuốc điều trị ung thư chờ đang xin visa (giấy phép lưu hành), ông Dũng cũng cho hay một số thuốc đã có hợp đồng phía nhà sản xuất hứa sẽ cung ứng đầy đủ nhưng bệnh viện vẫn rất lo trong bối cảnh lượng bệnh ung thư sử dụng thuốc có xu hướng tăng (khoảng 10%).

"Để đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung thuốc, chúng tôi yêu cầu khoa dược tiếp tục soạn thảo văn bản gửi công ty yêu cầu xác nhận lại việc cung ứng thuốc cho bệnh viện dựa trên những hợp đồng đã có. Thuốc nào đơn vị sản xuất báo "có vấn đề" về nguồn cung thì lập tức phía bệnh viện phải kêu lên sở, chứ không thể để bệnh nhân chờ đợi. Đặc biệt tránh các trường hợp thiếu thuốc trong bệnh viện khiến giá thuốc ngoài thị trường bị đẩy lên cao, trong khi chất lượng thuốc thả nổi" - ông Dũng nói.

Khẳng định việc cung ứng thuốc và vật tư y tế tại đơn vị đang từng bước đi vào ổn định, tuy nhiên giám đốc một bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM cho biết vẫn còn "chậm đôi chút" khi mua sắm đầu tư công (mua theo kế hoạch).

Để tránh lặp lại sự bị động về thuốc và vật tư như trước đây, giám đốc bệnh viện này cho biết đã đôn đốc các bộ phận lên kế hoạch dự trù trước 3 tháng.

"Việc các bệnh viện sang nhượng, vay mượn thuốc và vật tư y tế chỉ là giải pháp tình thế, còn chung quy lại bắt buộc các bệnh viện phải tuân thủ quy định về mua sắm. Tôi cho rằng không nên đổ cho cơ chế, các đơn vị cần chủ động hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người bệnh và duy trì hoạt động của bệnh viện" - vị này nói.

Còn ông Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho hay đơn vị đang tăng cường "siết" các gói thầu nhằm đảm bảo nguồn cung.

Theo ông, khi quy định đấu thầu chặt chẽ hơn ắt sẽ mất thời gian một chút. Chưa kể khi mở thầu có thể một số nhà thầu sẽ không đáp ứng được yêu cầu hoặc nhận thấy giá cả không phù hợp bỏ thầu nên không tham gia. Để giải quyết việc này, đòi hỏi cần có sự chủ động thêm từ các bệnh viện.

"Mấy tháng gần đây, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh các gói thầu mua sắm vật tư, thuốc, đặc biệt chú trọng vào các loại thuốc cấp cứu người bệnh" - ông Sóng cho hay.

Thiếu thuốc nhưng 'ngại báo cáo', vì sao?-4

Máy chụp PET/CT của Bệnh viện Ung bướu vừa tái hoạt động trở lại sau 1 năm “trùm mền” vì thiếu thuốc phóng xạ - Ảnh: D.PHAN

HOÀNG LỘC - LAN ANH