Ngoài những rủi ro về sức khỏe thể chất, một số nghiên cứu phát hiện ra tồn tại mối liên hệ giữa Covid-19 và khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Các báo cáo về chứng trầm cảm, lo âu, căng thẳng ngày càng phổ biến ở những người được chẩn đoán mắc Covid-19.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon đã sử dụng dữ liệu từ National Covid Cohort Collaborative (N3C) để so sánh 46.610 người dương tính với Covid-19 với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác nhau. Mục đích là xác định Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần của người bệnh.
Tỷ lệ chẩn đoán tâm thần được nghiên cứu trong hai giai đoạn, từ 21 đến 120 ngày sau khi bệnh nhân được chẩn đoán và 120 đến 365 ngày sau khi chẩn đoán. Dữ liệu được giới hạn ở những bệnh nhân không có tiền sử bệnh tâm thần, đặc biệt là xem xét các rối loạn tâm trạng và lo âu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh nhân Covid-19 có tỷ lệ mắc chứng rối loạn tâm thần là 3,8% so với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác là 3%.
Suy thoái kinh tế sau đại dịch cũng được cho là nguyên nhân thúc đẩy các rối loạn sức khỏe tâm thần. Ảnh: Hartford healthCare
Các nhà nghiên cứu đã xem xét cụ thể các rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng và nhận thấy nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu tăng nhẹ nhưng đáng kể và nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm trạng. Trong phạm vi rộng của các rối loạn sức khỏe tâm thần được quan sát cho đến nay, mối quan tâm lớn nhất là ý định tự tử và sử dụng opioid (thuốc giảm đau nhóm opioid).
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu cách Covid-19 tác động đến chức năng não. Theo họ suy đoán, có thể sự gia tăng tình trạng viêm trong não gây ra các tác động tâm thần đối với những người sống sót sau khi nhiễm coronavirus. Suy thoái kinh tế sau đại dịch cũng được cho là nguyên nhân thúc đẩy các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Lauren Chan, đồng tác giả của nghiên cứu, một nghiên cứu sinh về dinh dưỡng tại Đại học Y tế Công cộng và Khoa học Nhân văn OSU, cho biết, kết quả nói lên sự cần thiết của cả bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hai bên đều phải chủ động hơn khi giải quyết những lo ngại về sức khỏe tâm thần sau khi nhiễm Covid-19.
Theo cô, đối với những người đã bị Covid-19, nếu cảm thấy lo lắng và nhận ra một số thay đổi trong cuộc sống liên quan tới sức khỏe tâm thần, cần phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Còn các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải chủ động và bắt đầu tầm soát các tình trạng tâm thần, sau đó, theo dõi những bệnh nhân này. Khi bệnh nhân rời khỏi văn phòng bác sĩ, đôi khi việc chăm sóc sẽ dừng lại ở đó nhưng Chan khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ nên cân nhắc gọi điện sau hai tuần để kiểm tra.
"Chắc chắn có những người đang gặp khó khăn với những điều mới mẻ như thế này và họ cần sự hỗ trợ bổ sung hoặc thúc đẩy để tìm kiếm sự giúp đỡ nào đó. Tôi không muốn nói rằng mọi người bị Covid-19 đều sẽ gặp phải loại vấn đề này, nhưng nếu bạn bắt đầu lo lắng cho bản thân hoặc một thành viên trong gia đình thì điều đó không phải là chưa từng xảy ra. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc cho bản thân hoặc những người xung quanh mình", cô nhấn mạnh.
Linh Chi