PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em (Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương) - Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Việt tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Phạm Hải
Sau khi thăm khám cho anh H, bác sĩ cho biết anh bị viêm amidan mãn tính cần phải cắt amidan để tránh những biến chứng. Amidan không chỉ trẻ nhỏ hay mắc mà rất nhiều người lớn cũng bị, thậm chí nằm trong trường hợp phải cắt amidan.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em (Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương) hiện đang là Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Việt, không phải ai cũng nên cắt amidan.
Việc cắt amidan phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, khi người bệnh ở trong những trường hợp như: Khi bạn bị viêm amidan khoảng 5-6 đợt cấp tính trong một năm gây những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, thấp khớp, viêm cầu thận; amidan có kích cỡ quá to gây cản trở cho việc ăn uống, xảy ra tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ, nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần; viêm amidan gây tình trạng hôi miệng, nuốt vướng hoặc những nghi ngờ ác tính do ung thư.
Amidan là hai cục lympho ở họng, (gọi là “cửa ngõ” của đường thở), có tác dụng ngăn chặn những vi khuẩn vi trùng đầu tiên xâm nhập vào cơ thể. Nếu không còn amidan thì bộ phận bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật đầu tiên đã bị loại bỏ, vì không 1 bộ phận nào trên cơ thể là thừa. Vì vậy, chỉ nên cắt amidan khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An viêm amidan là một trong những bệnh lý phổ biến nhất về tai mũi họng. Bệnh có thể do virus, vi khuẩn hay những yếu tố khác như môi trường sống ô nhiễm, sức đề kháng cơ thể... gây ra.
Viêm amidan mãn tính nếu không được chuẩn đoán và điều trị tích cực sẽ tái phát nhiều lần, làm ảnh hưỡng đến sức khỏe và khả năng lao động, học tập của người bệnh.
Bệnh cũng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Biến chứng gần: Viêm thanh khí phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm tấy, áp-xe thành bên họng.
Biến chứng xa: Viêm thận, viêm khớp, nhiễm khuẩn huyết. Biến chứng toàn thân: hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ; amidan quá lớn gây khó nuốt, khó thở, khó phát âm.
Nếu bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, tùy từng trường hợp bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt amidan. Với sự tiến bộ của y học, hiện giờ có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt amidan an toàn, nhanh chóng và không tốn thời gian.
Hiện có phương pháp phẫu thuật cắt amidan bằng Plasma được các chuyên gia y tế đánh giá cao do mang tính đột phá và hiệu quả triệt.
Để nhanh hồi phục sức khoẻ sau khi cắt amidan, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An lưu ý những người bệnh cắt amidan cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, không nên nói chuyện ngay, vì nói chuyện sẽ khiến cho vết thương bị ảnh hưởng từ ngày thứ 2 trở đi bệnh nhân có thể bắt đầu tập nói dần.
– Vệ sinh sạch sẽ miệng để tránh gây nên bệnh viêm họng sau khi cắt viêm amidan vì vi khuẩn có thể tấn công gây nhiễm trùng vùng họng bất kỳ lúc nào.
– Ăn những thức ăn mềm như (khoai tây luộc, khoai lang, cà rốt luộc), cháo, súp, bún, phở, không ăn thức ăn quá cay, nóng, lạnh hay thức ăn nhiều dầu mỡ, nước chứa cồn, ga, chất gây nghiện như cà phê.
– Nước lọc, sữa tươi, sữa chua, nước ép trái cây rất tốt cho người vừa phẫu thuật amidan.