Trang Chủ > Sức khỏe > Chưa tiêm đủ vắc-xin, nhiều ca Covid-19 trở nặng, tử vong

Chưa tiêm đủ vắc-xin, nhiều ca Covid-19 trở nặng, tử vong

Tiin
31/08/2022 08:28:27

Sở Y tế TP HCM cho biết thời gian gần đây, số ca Covid-19 tại thành phố có xu hướng tăng. Hiện trung bình mỗi ngày có 164 ca, trong khi tuần trước là 127 ca. Cụ thể, từ ngày 19 đến 25-8, thành phố có 1.147 ca bệnh được công bố, tăng 258 ca so với giai đoạn từ ngày 12 đến 18-8 (889 ca). Tính đến ngày 25-8, thành phố có 251 ca đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 78 ca cần hỗ trợ hô hấp.

Mỗi ngày có 3-4 ca trở nặng

Là một trong những bệnh viện tuyến cuối của TP HCM và phía Nam về điều trị các ca mắc Covid-19 nặng, chỉ trong tháng 8, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tiếp nhận, điều trị 41 bệnh nhân, trong khi 3 tháng trước đó (tháng 5 đến tháng 7) không ghi nhận ca bệnh nào.

Bác sĩ Tôn Thất Quang Thắng, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từ đầu tháng 8 đến nay, bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến, ngày nào cũng có ca mới. 100% bệnh nhân nhập viện đều có bệnh nền hoặc họ đến để điều trị bệnh lý khác và phát hiện mắc Covid-19 qua sàng lọc. Mỗi ngày, có 3-4 ca nặng phải thở máy.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết chỉ trong tháng 8, bệnh viện ghi nhận 7 ca tử vong. Trong đó có 4 bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân nặng đa số là người già, có bệnh nền. Đáng chú ý, trong nhóm này chỉ 28% người bệnh được tiêm vắc-xin mũi 3 và 72% tiêm vắc-xin mũi 2 và có 25% người bệnh chưa tiêm mũi vắc-xin Covid-19 nào.

'Chúng ta đã truyền thông, kêu gọi người dân đi tiêm vắc-xin, lập nhiều điểm tiêm nhưng có lẽ đã thiếu sót khi chưa tìm được hết người có bệnh nền cần tiêm ngừa. Khi họ bị Covid-19 sẽ diễn tiến rất nặng, dù chúng tôi làm tất cả các biện pháp cũng không cứu được' - bác sĩ Hùng lo ngại.

Bác sĩ Hùng nhận định ca bệnh mắc Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 7 giảm sâu do từ tháng 12-2021, vắc-xin Covid-19 được phủ rộng ở các địa phương. Bên cạnh đó, kết hợp cùng số người bị mắc Covid-19 nhiều nên phía Nam có nền miễn dịch cộng đồng khá tốt. Tuy nhiên, sau 6 tháng, kháng thể giảm xuống nếu không tiêm nhắc lại. Ngoài ra, người dân có tâm lý chủ quan vì dịch đã ổn định, ý định tiêm vắc-xin cũng giảm hẳn. Hiện đúng như dự báo, ca Covid-19 từ tháng 8 đã tăng. 'Với cá nhân, tiêm ngừa vắc-xin nhằm tránh diễn tiến nặng nếu mắc bệnh. Với cộng đồng, vắc-xin sẽ giúp dịch Covid-19 không quay lại’ - bác sĩ Hùng lưu ý.

Bác sĩ Hùng cho biết vắc-xin đang sử dụng tại Việt Nam là những loại tốt nhất lúc này, chủ yếu là Moderna và Pfizer. 'Bên cạnh 2K, vắc-xin là vũ khí tối ưu. Đặc biệt, người có bệnh nền cần tiêm càng sớm càng tốt. Bởi hiện virus SARS-CoV-2 đang biến chủng liên tục, nếu ứng phó không tốt dịch bệnh có thể kéo dài hơn nữa' - bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Còn tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), thượng tá, bác sĩ Phan Bá Hiếu, Phó Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, cho biết khoảng 1 tháng nay, số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện tăng đột biến, đa phần là người già, bệnh nền nhiều. Trong số này, khoảng 20% bệnh nhân phải thở ôxy.

Hiện khoa có 10 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Trong đó, có 2 bệnh nhân thở ôxy kèm bệnh nền và một số bệnh nhân vừa phẫu thuật xong thì phát hiện mắc Covid-19. 'Nhìn chung, người có bệnh nền là yếu tố nguy cơ khiến bệnh Covid-19 chuyển nặng, thời gian điều trị kéo dài, việc sử dụng thuốc cũng khó khăn hơn' - bác sĩ Hiếu cho biết.

Chưa tiêm đủ vắc-xin, nhiều ca Covid-19 trở nặng, tử vong-1

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng

Vắc-xin - vũ khí quan trọng

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, hiện Covid-19 và sốt xuất huyết (SXH) đang là áp lực lớn với ngành y tế thành phố. Những ngày gần đây, số ca mắc SXH có dấu hiệu giảm nhưng số ca nhập viện và nặng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Covid-19 đang tăng cả ca mắc mới và nặng. Tình hình càng căng thẳng hơn khi tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 tại thành phố còn thấp.

Sở Y tế TP HCM cũng nhận định công tác truyền thông về tiêm vắc-xin cho trẻ vẫn chưa đạt hiệu quả trong bối cảnh khả năng xuất hiện một làn sóng dịch Covid-19 mới do biến chủng mới. Đặc biệt, dịch chồng dịch vẫn là nguy cơ đe dọa, gây quá tải cả hệ thống y tế nếu các địa phương và các sở, ngành không quyết liệt triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Về SXH, tỉ lệ các điểm có lăng quăng chưa giảm dù đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em còn thiếu so với chỉ tiêu của quốc gia

Theo bác sĩ Thượng, các ca Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều thuộc nhóm nguy cơ cao như lớn tuổi, mắc bệnh nền và đa số chưa tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, 4). 'Đây là thực trạng đáng báo động. Điều quan trọng nhất, quyết định trong phòng chống dịch Covid-19 vẫn là vận động người dân đi tiêm vắc-xin. Tuyệt đối không được lơ là mất cảnh giác bởi TP HCM đang ở tình trạng dịch chồng dịch' - bác sĩ Thượng nhấn mạnh.