Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ cháy quán karaoke An Phú thảm khốc, khiến 32 người thiệt mạng tại Bình Dương. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, chập điện là nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Tiếp sau đó vào chiều ngày 11/9, một quán karaoke ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng bốc cháy dữ dội trong lúc có hàng chục khách hát. Dù các nạn nhân may mắn chạy thoát, nhưng sự việc một lần nữa báo động hiểm họa tại các ngôi nhà ống cao tầng, khi có hỏa hoạn xảy ra.
Các nạn nhân bị thương, nhập viện trong vụ cháy quán karaoke An Phú, tỉnh Bình Dương (Ảnh: Hoàng Lê).
Cháy nhà chỉ vài tầng, vì sao nhiều người mất mạng tại chỗ?
Trao đổi với PV Dân trí, ThS.BS Doãn Uyên Vy, phụ trách phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, kiến trúc nhà ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến kiểu xây cao tầng.
Đặc biệt ở những thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc khiến những tòa nhà được thiết kế như một chiếc hộp, ít cửa sổ thông thoáng. Khi hỏa hoạn xảy ra sẽ làm phát sinh nhiều khí ngạt Cyanure. Vì không gian cháy là không gian kín, nhà cao tầng tiềm ẩn nhiều khả năng gây ngạt khí.
Thêm vào đó, vật liệu xây dựng hay nội thất trong nhà ngày nay đa số được làm từ nhựa, nên khi bốc cháy cũng có thể sinh ra nhiều loại khí độc khác nhau. Cụ thể, nhựa polymer sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO), nhựa PVC sinh ra khí Hydrogen chloride (HCl).
Ngoài ra, các loại vật liệu bằng len, vải, nylon, polyurethane, urea-formaldehyde, acrylic fibre... khi cháy sẽ sinh ra khí HCN (hydrogen cyanide hay khí hydro cyanure), khí NH3 (amoniac), NO (Nitrogen monoc COCl2 (Phosgene)...
Lực lượng chức năng kiểm tra các phương tiện chữa cháy tại quán karaoke trên địa bàn quận 8, TPHCM vào sáng 7/9. (Ảnh: Phòng PC07 cung cấp).
Trở lại với câu chuyện cháy quán karaoke, câu hỏi được đặt ra là vì sao quán chỉ có 3 tầng nhưng nhiều người mất mạng tại chỗ mà không thể thoát ra?
Bác sĩ Uyên Vy phân tích, trong cuộc sống hiện đại, nhiều nơi dùng vật liệu xây dựng bằng nhựa tổng hợp thay dần cho gạch, xi măng, với ưu điểm nhẹ, đẹp, cách nhiệt tốt. Quán karaoke xài máy lạnh nên cũng thiết kế bịt kín, ít có cửa sổ.
Quán được xây dựng để phục vụ việc ca hát, nên phải sử dụng những vật liệu nêu trên để cách âm. Đồ đạc, nội thất trang trí trong phòng cũng là vải sợi và da, nhựa tổng hợp. Như đã nêu ở trên, vật liệu dùng thế nào thì khi cháy sẽ sinh ra khí độc tương ứng.
Trong đó, CO và HCN là hai khí nguy hiểm gây chết người ngay tại hiện trường cháy. "Khí CO nồng độ cao khiến cơ thể bị yếu liệt, không thể cử động. Nạn nhân hít quá nhiều khí CO sẽ bị chết ngạt do tế bào hồng cầu trong máu không thể hấp thụ oxy" - chuyên gia phân tích.
Cũng theo chuyên gia, nạn nhân ngộ độc khí CO khi được cho thở trong buồng oxy cao áp sớm có thể được cứu sống. Nhưng với ngộ độc khí HCN, nạn nhân thường chết nhanh hơn trước khi chạy thoát ra ngoài hay được can thiệp cấp cứu.
Trang bị dây thừng, học kỹ năng đu dây
Để phòng chống và không bị ngộ độc khi cháy nhà cao tầng, bác sĩ Vy cho rằng phải chú ý từ việc lựa chọn vật dụng trong nhà, hạn chế trang trí nội thất bằng nhựa hoặc vật liệu nhẹ.
Kế đến, nên tập thói quen chú ý các dấu hiệu hỏa hoạn để kịp thời thoát thân, như khi ngửi thấy mùi khét nhựa hay khét dây điện, vì khét nhựa cháy sẽ sinh ra khí HCN, có thể "qua mặt" còi hiệu báo cháy. "Còi báo cháy thường chỉ kêu khi có khí CO nhiều" - bác sĩ Uyên Vy phân tích.
Chuyên gia khuyên nên trang bị dây thừng trong nhà cao tầng để có thể tự thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
Ngoài ra, bác sĩ khuyên những người ở nhà cao tầng cần trang bị sẵn dây thừng trong nhà hay thang dây dài, để khi xảy ra sự cố có thể leo xuống thoát qua cửa sổ hay lan can trong tình huống khẩn cấp. Điều này cũng đòi hỏi việc chủ động trang bị kiến thức, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng leo trèo, đu dây.
Nếu nhà không có cửa sổ, phải tìm cách đập tường để thoát ra, nên cần trang bị những dụng cụ có thể xuyên phá tường nhanh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên trang bị tại nhà mặt nạ phòng độc chống khói để có thể thoát hiểm an toàn. Trong trường hợp không có mặt nạ, nên sử dụng khăn thấm nước để che phần mũi miệng hạn chế hít phải khí độc, cúi khom người và trườn ra khỏi đám cháy.