Mỗi ngày, TP HCM có khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt được thu gom xử lý, nhưng thực tế nhiều xe rác từ các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An bị phát hiện trà trộn “đổ chui“ rác tại các trạm trung chuyển của TP HCM.
Xe thu gom rác được dán logo nhận diện tại một trạm trung chuyển ở TP Thủ Đức
Việc này tạo thêm gánh nặng cho ngân sách thành phố trong việc xử lý rác thải; đòi hỏi phải quản lý, xử lý nghiêm hành vi đổ trộm này.
Việc thí điểm dán logo cho phương tiện thu gom rác của địa phương được Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Thủ Đức phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM thí điểm tại 3 trạm trung chuyển rác, gồm: Long Hòa, Long Trường và Hiệp Bình Chánh.
Sau một tuần triển khai dán logo nhận diện trên kính xe - đối với ô-tô tải và phía sau lưng tài xế - đối với xe lam, ghi nhận sáng ngày 15-7, xe rác trật tự ra vào trạm, không còn cảnh ùn ứ như tháng trước.
Điều khiển xe vào trạm, anh Nguyễn Văn Trường - người thu gom rác phường Tân Phú, TP Thủ Đức - cho biết việc dán logo giúp bảo đảm công bằng, hạn chế tình trạng xe rác tỉnh đổ vào trạm gây tắc nghẽn, quá tải.
Bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX vệ sinh Môi trường Liên Minh, cho biết đợt đầu tiên này, HTX đăng ký cho hơn 40 phương tiện ra vào trạm Long Hòa, tiếp tục đăng ký cho hơn 70 phương tiện ra vào trạm Hiệp Bình Chánh và Sở Gà, đang chờ được dán logo.
"Chúng tôi ủng hộ việc dán logo để nhận diện xe rác ra vào trạm, tránh trường hợp xe rác tỉnh khác trà trộn vào. Màu sắc logo mỗi trạm cũng khác nhau nên hy vọng lần này thành phố sẽ kiểm soát xe rác chặt chẽ hơn" - bà Hoa tin tưởng.
Ông Trần Duy Long, Phó trưởng Phòng TN-MT TP Thủ Đức, khẳng định: "Dán logo không chỉ hạn chế tình trạng rác từ các tỉnh lân cận đổ về TP HCM mà còn giúp đơn vị quản lý trạm điều phối phương tiện, khối lượng bảo đảm công suất vận chuyển trong ngày cũng như bảo đảm công bằng cho các xã viên đổ rác vào trạm. TP Thủ Đức có 8 trạm trung chuyển, công suất 725 tấn nhưng thực tế thu gom 1.200-1.400 tấn/ngày. Sau 3 trạm này, chúng tôi sẽ triển khai dán logo các phương tiện tại 5 trạm còn lại trong tháng 7 này để nâng cao hiệu quả quản lý".
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM (Citenco), cho rằng việc dán logo không chỉ giúp nhận diện phương tiện thu gom rác mà còn giúp cho công tác quản lý về khối lượng và chất lượng rác tốt hơn. Sau thời gian thí điểm, Citenco sẽ cùng TP Thủ Đức phân tích, đưa ra kết quả đạt được. Nếu các địa phương khác có nhu cầu dán logo, Citenco sẵn sàng hỗ trợ.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trực thuộc tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác đổ vào TP HCM.
Các địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức kiểm tra giám sát phương tiện thu gom.
Xác định trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tái phạm từ 2 lần trở lên trường hợp rác các tỉnh đổ về TP HCM.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở TN-MT TP HCM, Công an TP HCM tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, trọng điểm tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Các đơn vị thu gom, đơn vị xử lý rác sinh hoạt không được tiếp nhận rác thải sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác khi chưa được sự chấp thuận của UBND TP.
Nguồn Tin: