Khi dịch Covid-19 hoành hành, lực lượng y bác sĩ tuyến đầu được ví như những “thiên thần áo trắng” có mặt ở những nơi nguy nan để hỗ trợ, cứu chữa cho người bệnh.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế rà soát, cập nhật số cán bộ ngành y tế khu vực công nghỉ việc trong thời gian gần đây; sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập.
Cũng trong ngày 29/6, Văn Phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập.
Thông báo nêu rõ: “Đây là những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, cần được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm, khẩn trương vào cuộc, kịp thời xử lý, khắc phục”.
Về việc nhiều cán bộ ngành y tế khu vực công nghỉ việc trong thời gian gần đây, cùng với việc yêu cầu ngành Y tế rà soát, đánh giá đúng tình hình, làm rõ nguyên nhân để kịp thời có giải pháp phù hợp; Thủ tướng chỉ đạo cần khẩn trương hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chú trọng, chủ động làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh.
Chuyển việc, bỏ việc nhiều trong khi tuyển mới khó khăn
Cuối tháng 6, Bộ Y tế có văn bản gửi tới các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, viên chức, nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, vất vả: cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đó thu nhập lại bị giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong hai năm vừa qua, đã có nhiều viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Vì thế, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân. Thời điểm thống kê từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/6/2022.
Đây là động thái cần thiết của Bộ Y tế khi suốt thời gian qua, trên phạm vi cả nước đã xảy ra tình trạng nhiều y, bác sĩ khu vực y tế công bỏ việc, chuyển việc. Đây được coi là vấn đề bất thường, vì từ trước tới nay chưa từng xảy ra tình trạng đó đối với ngành Y tế, vì đây là ngành nghề, công việc ổn định. Vậy, vì sao nhiều y, bác sĩ khu vực y tế công bỏ việc, chuyển việc? Câu hỏi ấy cần sớm có câu trả lời thỏa đáng, đúng bản chất sự việc thì mới có thể có được giải pháp xử lý thỏa đáng, không để tái diễn.
Tới thời điểm này, theo số liệu thống kê sơ bộ tại một số địa phương, gần 2 năm qua, Hà Nội có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, có tới 226 nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc, 17 người khác xin chuyển công tác. Còn tại TP HCM, năm 2021 có tới hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Riêng quý I/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Tại tỉnh Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc, cao bất thường so với những năm trước.
Đáng lo ngại, khi tình trạng y, bác sĩ khu vực công nghỉ việc, chuyển việc không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn, hoặc những tỉnh thành kinh tế - xã hội phát triển, mà cả ở những địa phương miền núi, những vùng khó khăn việc này cũng xảy ra. Có thể nêu một dẫn chứng, đó là tỉnh Gia Lai.
Tính tới thời điểm ngày 7/7/2022, tỉnh Gia Lai có gần 4.900 cán bộ y tế làm việc trong 27 cơ sở thuộc hệ thống y tế công lập. Từ năm 2021 tới nay, có 133 cán bộ y tế nghỉ việc để chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân. Trong số đó, nhiều người chấp nhận các hình thức kỷ luật, đền bù kinh phí đào tạo chuyên môn. Trong khi dòng cán bộ rời bỏ hệ thống y tế công lập vẫn chưa có dấu hiệu ngừng, thì việc tuyển dụng của ngành cũng rất khó khăn: Năm 2022, ngành y tế Gia Lai thiếu 574 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển mới được 246 người.
Nguyên nhân chính được Sở Y tế Gia Lai nhìn nhận là vì cán bộ y tế trong cơ sở công lập có thu nhập thấp, chưa được đãi ngộ thỏa đáng. Đặc biệt, sau 2 năm có dịch Covid-19 (năm 2020 và 2021), tình hình tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh càng thêm khó khăn, thu hụt chi hàng chục tỷ đồng, thu nhập của người lao động chủ yếu từ lương cơ bản.
Theo ông Phạm Bá Mỹ - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Gia Lai, nơi có số lượng cán bộ y tế nghỉ việc nhiều thì “đời sống kém nên người ta tìm việc khác, người ta bỏ việc”. Ông Mỹ cho rằng, đời sống tốt lên thì không ai bỏ việc, không chuyển sang làm việc khác. Đảm bảo đãi ngộ, thu nhập cho cán bộ y tế, đồng thời cũng là giải pháp giúp đảm bảo sự ổn định, bền vững của hệ thống y tế công, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân của người thầy thuốc.
Chị Phùng Thị Lan (sinh năm 1981), hộ lý, công tác tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai, cho biết hàng ngày sau khi làm việc tại bệnh viện chị lại đến xưởng sản xuất nước đá để làm thêm, từ 7 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau. Từ công việc này mỗi tháng chị có thêm 6 triệu đồng ngoài khoản lương cố định 5.020.000 đồng nhận từ bệnh viện để lo cho cuộc sống gia đình.
“Bệnh viện bây giờ chi lương cho anh em đã khó rồi, có đợt 3 tháng mới có lương 1 lần. Trong 3 tháng đó, tôi phải tự xoay sở. Đi làm thêm là nhu cầu cá nhân của tôi, phải làm thì mới sống được. Lương thấp quá không thể ổn định được, nhiều người cũng phải đi làm thêm như tôi”- chị Lan chia sẻ.
Còn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, nhiều thầy thuốc cho biết, lương đã thấp, áp lực công việc lại rất nặng nề. Trung bình, mỗi ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 70 - 80 bệnh nhân, đa số cần được hỗ trợ, chẩn đoán sớm. Nhưng cả khoa chỉ có 50 người. Ít người nên khoa chỉ có 3 kíp trực. Lịch trực dày đặc là vậy nhưng thu nhập hàng tháng của bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng (53 tuổi) chỉ 7,8 triệu đồng, khó lo được cho các con ăn học. Đây cũng là lý do mà gần chục đồng nghiệp trong khoa của bác sĩ Trọng nghỉ việc chỉ trong 3 năm gần đây.
“Dịch bệnh phức tạp, dễ lây nhiễm bệnh nặng. Người nhà bệnh nhân nhiều lúc gây gổ, đánh cả nhân viên y tế. Lực lượng cấp cứu phòng, chống dịch của chúng tôi gần 50 người, nhưng chỉ có 6 người được hưởng, rất thiệt thòi. Một số anh em trẻ đã bỏ đi. Những người lớn tuổi đành chấp nhận trụ lại với mức lương thấp”- bác sĩ Trọng nói.
Áp lực công việc lớn, lương thấp, đãi ngộ không thỏa đáng
Trước thực tế nhiều y, bác sĩ bỏ nghề, chuyển việc, một số ý kiến cho rằng việc nhiều cán bộ, thầy thuốc giỏi bị xử lý (kể cả đi tù) thời gian qua khiến tâm lý họ bất ổn. Tuy nhiên, đó được coi là suy diễn, không đúng bản chất vấn đề, vì những người chuyển nghề, bỏ nghề là những thầy thuốc bình thường “làm công ăn lương”, nói đúng ra là họ không ở vị trí để có thể móc ngoặc, trục lợi, tham nhũng. Như vậy, họ ra đi không phải vì “sợ pháp luật”.
Cũng cần phải thấy rằng, không phải cho đến khi vụ buôn thuốc ung thư giả, vụ trục lợi tại Bệnh viện Tim Hà Nội, nhất là khi “cơn lốc Việt Á” tràn qua ngành y, các thầy thuốc mới bỏ việc hàng loạt. Việc xử lý bằng pháp luật với những cán bộ ngành Y (kể cả Bộ trưởng), Giám đốc bệnh viện tuyến cuối, hay hàng chục Giám đốc CDC các địa phương không liên quan gì tới việc y, bác sĩ khu vực y tế công bỏ việc, chuyển việc. Từ xưa tới nay, ai cũng biết, để có một chỗ trong biên chế Nhà nước tại một cơ sở y tế nào đó (nhất là ở thành phố) là niềm mơ ước của nhiều người trong ngành y. Vì thế, họ không dễ gì bỏ việc vì tội của người khác.
Quan trọng nhất chính là thu nhập từ nghề nghiệp. Trừ một số bác sĩ có tay nghề cao, họ hành nghề theo dạng “chân trong, chân ngoài”, đa số thầy thuốc còn lại, nhất là các y tá, điều dưỡng viên, thu nhập từ lương và các khoản khác quá thấp nhưng họ rất khó có điều kiện làm ngoài để tăng thu nhập.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã đưa ra dẫn chứng “ở mức rất khó tin”. Theo ông Trí, một cán bộ y tế cơ sở tham gia chống dịch Covid-19, mỗi ngày họ chỉ được nhận thù lao 18.600 đồng. Số tiền “không tưởng” này không mua nổi một ổ bánh mì mức giá bình thường. Có nghĩa là, trong dịch, họ là những người tiên phong, sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm nhất để cứu người bệnh nhưng tiền thù lao dành cho họ chỉ mang tính tượng trưng.
Một lý do nữa là kể từ khi có chủ trương các bệnh viện dần dần tự chủ về tài chính, chủ trương liên doanh liên kết trong các bệnh viện công thì đã phát sinh việc lãnh đạo bệnh viện lợi dụng kẽ hở chưa kịp hoàn thiện để bắt tay “thổi giá” trong các dự án đấu thầu mua sắm trang thiết bị; liên doanh, liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh, để trục lợi. Số tiền có được từ những phi vụ gian dối, bất lương ấy, người hưởng lợi không phải là nhân viên y tế. Họ vẫn chỉ là người làm công ăn lương đúng nghĩa, trong khi đồng lương nhận được hàng tháng rất thấp so với mặt bằng cuộc sống. Cá biệt còn có những bệnh viện nợ lương, nhất là những bệnh viện y học cổ truyền.
Đào tạo được một thầy thuốc không dễ dàng, nên dù chỉ “mất” một người thì cũng hết sức đáng tiếc. Hậu quả cuối cùng người bệnh sẽ phải hứng chịu. Vì thế, việc gấp rút sửa đổi mức lương khởi điểm cũng như chế độ đãi ngộ cho thầy thuốc phải được xem là “việc cần làm ngay”, vì xét cho cùng chăm lo cho thầy thuốc cũng chính là lo cho dân.
Ông Đỗ Xuân Tuyên.
Trước thực tế gần 10.000 nhân viên y tế xin thôi việc, theo Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; Chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn. Ông Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%.
Bà Phạm Thanh Bình.
Liên quan đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho rằng nếu nhân viên y tế nghỉ việc ra ngoài thì sẽ không đảm bảo dịch vụ chất lượng cao trong hệ thống khi mà nguồn nhân lực cao mất dần đi.
Ngoài ra, khi có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc thì Công đoàn Y tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là phải đi hòa giải các mối quan hệ lao động tại các cơ sở tự chủ, có quy chế đào tạo và có chi tiêu nội bộ. Bà Bình cũng cho biết, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có đề nghị về chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67; bên cạnh đó là chế độ thâm niên nghề; chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế.