Các chuyên gia y tế nhận định, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của con người. Đặc biệt ở trẻ em, nếu mắc bệnh rất dễ gặp biến chứng, dễ trở nặng nếu không được phát hiện và xử lý sớm. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách là điều mà cha mẹ cần lưu tâm để giúp trẻ nhanh chóng vượt qua và hồi phục.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng nên khi khám phát hiện trẻ mắc Sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ chỉ định cho điều trị ngoại trú hay tại nhà. Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ và lưu ý những điểm sau:
Chăm sóc khi trẻ sốt
- Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần. Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ nô đùa nhiều và nên tránh dùng quần áo quá dày hoặc mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ.
- Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng. Cần đọc kỹ hướng dẫn trên hộp thuốc và những lưu ý mà bác sĩ hướng dẫn. Chỉ được cho trẻ uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu sốt, không được uống liên tục. Cần lau mát bằng nước ấm khi trẻ sốt để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.
Dấu hiệu nguy hiểm
Khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu thấy dấu hiệu bất thường sau:
- Tay chân lạnh
- Nằm một chỗ không chơi
- Bỏ bú, bỏ ăn uống
- Trẻ đau bụng
- Nôn nhiều, nôn khan
- Trẻ quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì
- Chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, tiêu phân đen…
>>> Trẻ bị sốt xuất huyết, nên ăn gì và kiêng gì cho mau khỏi?
>>> 4 tips nhỏ cần thực hiện để phòng ngừa sốt xuất huyết