Cách đây ít ngày, Tây Ban Nha phát hiện một trường hợp tử vong sau khi khóc ra máu. Nam bệnh nhân trung niên phải nhập viện ở vùng Castile, Tây Ban Nha, với các triệu chứng như đau dữ dội, chảy máu từ mắt.
Theo Reuters, bệnh tình của ông rất nghiêm trọng và đã không qua khỏi. Các bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF). Đây là căn bệnh hiếm gặp nhưng gây khó chịu và thậm chí tử vong.
Những ca bệnh rải rác
Đây không phải lần đầu tiên thế giới ghi nhận người nhiễm sốt xuất huyết Crimean-Congo. Các ca mắc được phát hiện rải rác từ đầu năm tới nay, đa số ở châu Âu.
Nạn nhân mới nhất ở Tây Ban Nha xuất hiện các triệu chứng sau khi bị bọ ve cắn. Ban đầu, tình trạng sức khỏe của ông ta không có gì nghiêm trọng. Nhưng chỉ sau vài ngày, bệnh nhân mất mạng, cho thấy sự nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo.
Tây Ban Nha phát hiện trường hợp CCHF đầu tiên vào năm 2011 và một người đàn ông Tây Ban Nha đã chết vào năm 2016 sau khi bị bọ ve cắn.
Hồi tháng 3, Vương Quốc Anh báo cáo về một phụ nữ được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Cambridge NHS Foundation Trust chẩn đoán nhiễm virus gây bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo.
Theo Bloomberg, bệnh nhân này được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Royal Free London, Anh. TS Susan Hopkins, cố vấn y tế của UKHSA, cho biết virus này không dễ lây lan trong cộng động và nguy cơ rất thấp. Đây là ca nhiễm thứ 3 được ghi nhận tại Anh. Các trường hợp trước đó được báo cáo vào năm 2012 và 2014, cả hai đều không có lây nhiễm thứ phát.
Ngày 1/6, WHO công bố về đợt bùng phát sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF) tại Iraq. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm (1/1-22/5), các cơ quan y tế của Iraq đã thông báo về 97 ca mắc CCHF được xác nhận và 115 ca bị nghi ngờ mắc bệnh. Đặc biệt, 27 người đã tử vong.
Sốt xuất huyết Crimean-Congo thường gây phát ban, chảy máu dưới da, khóc ra máu nên còn được gọi là bệnh "sốt khóc ra máu". Ảnh: Freepik.
Loài bọ trung gian truyền bệnh
Sốt xuất huyết Crimean-Congo còn được gọi là "sốt khóc ra máu" vì triệu chứng mà nó gây ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), ở các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết dưới da như sốt xuất huyết, chảy máu cam, bầm tím tại một số vị trí. Một số ít bệnh nhân có thể có biểu hiện thay đổi tâm trạng, bối rối và hung hăng.
Bọ ve Hyalomma là vật mang mầm bệnh chính làm lây truyền sốt xuất huyết Crimean-Congo. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con người cũng có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc các mô động vật chứa virus trong và sau khi giết mổ động vật.
CCHFV do virus thuộc giống Orthonairovirus (họ Nairoviridae, bộ Bunyavirales). Nó được mô tả lần đầu tiên vào năm 1944 ở Crimea và được đặt tên là sốt xuất huyết Crimea.
Năm 1969, các quan chức y tế thế giới công nhận mầm bệnh gây ra sốt xuất huyết ở Crimea tương tự loại gây bệnh ở Congo vào năm 1956. Vì mối liên kết của hai địa danh, bệnh được đặt theo tên ghép như vậy.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), loài bọ ve mang mầm bệnh đã xuất hiện tại Bắc Phi và châu Á, đồng thời cũng có mặt ở Nam - Đông Âu.
Các đợt bùng phát bệnh này từng là mối đe dọa với dịch vụ y tế công cộng các nước vì virus có thể gây bùng nổ dịch, tỷ lệ tử vong cao và nhiều nơi sẽ phải chịu áp lực lên hệ thống y tế. Căn bệnh này rất khó phòng ngừa, điều trị. Hiện tại, sốt xuất huyết Crimean-Congo là bệnh đặc hữu (lưu hành) ở châu Phi, Balkan, Trung Quốc, châu Á.
ECDC đánh giá đây là bệnh sốt xuất huyết do bọ chét lây lan rộng nhất. Ước tính 3 tỷ người có nguy cơ bị nhiễm trùng trên toàn cầu. Trong đó, từ 10.000 đến 15.000 ca nhiễm trùng xảy ra hàng năm. Đặc biệt, 500 ca bệnh trong số này tử vong.
Bọ ve Hyalomma là vật trung gian truyền bệnh. Ảnh: Tehran Times.
Tỷ lệ tử vong lên tới 40%
Tỷ lệ tử vong của bệnh này khá cao, dao động 10-40% ca nhiễm tử vong, thường vào tuần thứ hai sau khi người bệnh nhiễm virus. Sau khi bị ve cắn, WHO cho biết thời gian ủ bệnh của CCHF thường là 1-3 ngày, tối đa 9 ngày. Sau khi tiếp xúc với máu hoặc mô của vật nuôi bị nhiễm bệnh, thời gian ủ bệnh thường là 5-6 ngày, tối đa 13 ngày.
Căn bệnh này đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột các triệu chứng giống cúm: Sốt, đau đầu, đau cơ, khó chịu, cứng cổ, đau lưng, đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
Người bệnh cũng có thể buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và đau họng ngay từ giai đoạn sớm, sau đó là tâm trạng bất ổn, lú lẫn. Các dấu hiệu khác gồm phát ban trong miệng và cổ họng, nhịp tim nhanh và xuất hiện hạch bạch huyết mở rộng.
Sau 2-4 ngày, người bệnh có thể bắt đầu buồn ngủ, trầm cảm và thiếu năng lượng. Theo WHO, giai đoạn xuất huyết của bệnh thường bắt đầu vào ngày thứ 4, với biểu hiện xuất huyết phổ biến nhất ở dạ dày, khoang mũi, nướu răng và nước tiểu. Ban xuất huyết, do chảy máu quá nhiều, cũng có thể xuất hiện bên trong miệng, cổ họng và trên da.
Những bệnh nhân bị bệnh nặng có thể bị suy thận nhanh chóng, suy gan đột ngột hoặc suy phổi sau ngày thứ 5 của bệnh. Tình trạng tử vong thường vào tuần thứ 2 của bệnh, do sốc mất nhiều máu hoặc do biến chứng thần kinh, xuất huyết phổi, hoặc nhiễm trùng tái phát.
Ở những bệnh nhân hồi phục, sức khỏe của họ cải thiện rõ rệt từ ngày thứ 9 hoặc 10 sau khi phát bệnh.
Hiện nay chưa có thuốc kháng virus cụ thể để điều trị người bị sốt xuất huyết Crimean-Congo. Khi phát hiện người bệnh, các bác sĩ thường theo dõi sự cân bằng chất lỏng và điện giải của bệnh nhân, chức năng đa phủ tạng, tình trạng đông máu.