Trang Chủ > Sức khỏe > Cách hạn chế đường huyết tăng cao vào buổi sáng

Cách hạn chế đường huyết tăng cao vào buổi sáng

VnExpress
19/07/2022 05:36:11

Bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Ngay cả khi người bệnh kiểm soát tốt đường huyết thì lượng đường trong máu cũng thường cao hơn vào buổi sáng do hiệu ứng bình minh. Nguyên nhân của hiệu ứng bình minh là do cơ thể tiết ra một lượng lớn hormone khi chuẩn bị thức dậy. Những hormone này có thể chống lại tác dụng của insulin (hormone có nhiệm vụ điều chỉnh lượng đường trong máu).

Dưới đây là một số gợi ý để người bệnh hạn chế đường huyết tăng đột biến vào buổi sáng theo Very Well Health .

Tập thể dục

Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin. Điều này có nghĩa là cơ thể sử dụng insulin và glucose hiệu quả hơn. Tập thể dục vào buổi chiều hoặc sau bữa tối (trước giờ đi ngủ ít nhất một tiếng) có thể giúp bạn đạt được mức đường huyết ổn định vào sáng hôm sau.

Nếu lượng đường trong máu vào buổi sáng vẫn còn cao thì bạn thử tập thêm aerobic cường độ vừa phải trước khi ăn sáng. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu phục hồi chức năng Trung Quốc, tập thể dục buổi sáng có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong cả ngày. Một số bài tập để hạn chế tăng đột biến đường huyết vào buổi sáng như đi dạo, yoga, bơi lội... Bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tập thể dục để an toàn và hiệu quả.

Cách hạn chế đường huyết tăng cao vào buổi sáng-1

Tập thể dục vào buổi chiều hoặc tối có thể phòng tránh tăng đường huyết vào buổi sáng. Ảnh: Freepik

Dùng giấm táo

Một cách rẻ tiền và dễ dàng hỗ trợ ngăn ngừa đường huyết tăng vọt là dùng giấm táo. Giấm táo có chứa axit axetic. Theo nghiên cứu của Singapore và Canada đăng trên tạp chí Y học Tích hợp Dựa trên Bằng chứng , giấm táo có thể giúp thay đổi cách cơ thể xử lý đường, giảm tiêu hóa tinh bột, giúp tiêu hóa chậm hơn, cải thiện chỉ số HbA1c (xét nghiệm đo lượng đường huyết trung bình trong ba tháng) và chỉ số triglyceride ở chuột mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu đăng trên Clinical Nutrition Espen cho thấy, dùng 10-30 ml giấm táo có thể đem lại tác dụng cho người bệnh tiểu đường. Do đó, bạn có thể thêm nó vào thức ăn hoặc đồ uống.

Hạn chế lượng carb vào buổi tối

Chế độ ăn uống có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường và duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Carbohydrate (carb) là một phần quan trọng của chế độ ăn uống. Cơ thể chuyển đổi carb bạn ăn thành glucose. Do đó, người bệnh nên lưu ý ăn lượng carb phù hợp, hạn chế lượng carb nạp vào buổi tối, lưu ý đến số lượng carb nhận được vào bữa tối hoặc đồ ăn nhẹ vào ban đêm.

Các khuyến nghị về carb khác nhau tùy theo trọng lượng, mức độ hoạt động, thuốc điều trị bệnh tiểu đường, mục tiêu về lượng đường trong máu... Khuyến nghị chung của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ là 45-60 g carb mỗi bữa ăn chính và 15-20 g trong bữa ăn nhẹ.

Chọn chất béo lành mạnh trong bữa tối

Chất béo lành mạnh là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Thực phẩm giàu chất béo cũng có thể góp phần gây béo phì. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường. Vì vậy, chế độ ăn ít chất béo và nhiều protein tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), bạn nên ăn chất béo tốt (chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa) hơn là chất béo xấu (chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa). Chất béo tốt có trong bơ, ô liu và dầu ôliu, cá béo, các loại hạt...Chất béo nên hạn chế như mỡ lợn, các loại thịt giàu chất béo, da gia cầm, đồ chiên, thực phẩm chế biến sẵn...

Ăn nhẹ trước khi đi ngủ

Một bữa ăn nhẹ giàu chất xơ, ít chất béo trước khi đi ngủ có thể giúp người bệnh không cảm thấy đói và giảm thiểu tác động của hiệu ứng bình minh. Một số lựa chọn tốt như trái cây và rau quả; sữa chua không béo hoặc ít béo; bắp rang bơ không béo, táo nhỏ và pho mát ít béo, trứng luộc kỹ, nửa bánh sandwich gà tây...

Tránh hạ đường huyết vào buổi tối

Bên cạnh hiệu ứng bình minh gây tăng đường huyết vào buổi sáng, người bệnh tiểu đường còn có thể bị hạ đường huyết vào ban đêm, còn được gọi là hiệu ứng Somogyi.

Người bệnh tiểu đường bị hạ đường huyết trong khi ngủ do cơ thể tiết ra hormone để chống lại sự sụt giảm này, dẫn đến tăng lượng đường trong máu vào buổi sáng. Các triệu chứng phổ biến của hạ đường huyết bao gồm đau đầu, đổ mồ hôi, đói, lo lắng, ngứa ran trong miệng, tim đập nhanh... Bạn có thể ăn một bữa nhẹ trước khi đi ngủ để phòng tránh hiệu ứng bình minh.

Người bệnh nên theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và có sẵn đồ ăn nhẹ để phòng ngừa hạ đường huyết. Gọi cho bác sĩ của bạn ngay nếu có các triệu chứng của hạ đường huyết nghiêm trọng.

Kim Uyên
(Theo Very Well Health )

Những lưu ý kiểm soát bệnh đái tháo đường trong mùa hè

7 loại trà giúp kiểm soát đường huyết

Uống rượu ảnh hưởng thế nào đến đường huyết?