Ngày 19/9, một báo cáo được công bố trên tạp chí The Lancet, nêu bật những thất bại của toàn cầu trong việc phản ứng với Covid-19. Bằng chứng là các tác giả ước tính có khoảng 17,7 triệu ca tử vong do Covid-19 (bao gồm cả những ca không được báo cáo) tính đến ngày 15/9.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đại dịch đã đảo ngược những tiến bộ mà Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đạt được tại nhiều quốc gia, tác động sâu hơn đến sức khỏe và hạnh phúc.
Thất bại trong hợp tác toàn cầu
Báo cáo từ Ủy ban Covid-19 của The Lancet cho thấy hầu hết chính phủ đều thiếu chuẩn bị, hành động quá chậm chạp, quá ít chú ý tới những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và bị cản trở vì công chúng tín nhiệm thấp, thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, theo The Conversation, các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương - bao gồm Đông Á, Australia và New Zealand - được cho là đã áp dụng các chiến lược kiểm soát thành công hơn hầu hết phần còn lại của thế giới.
Điều này đã dẫn đến ước tính về số người tử vong thấp hơn. Ví dụ ở Australia, cứ một triệu người thì có khoảng 300 người tử vong tại Tây Thái Bình Dương. Con số này tại Australia là 558 trên một triệu người và New Zealand là 382 trên một triệu người, tính đến ngày 12/9. So sánh với Mỹ và Vương quốc Anh (3.000 trên một triệu), chúng ta có thể thấy sự cách biệt lớn.
Các y tá chờ tại một trạm xét nghiệm Covid-19 ở Anh. Ảnh: Getty.
Báo cáo này là kết quả của quá trình làm việc trong 2 năm từ những chuyên gia toàn cầu về chính sách công, y tế, kinh tế, khoa học xã hội và tài chính. Một trong những vấn đề mà báo cáo chỉ trích đó là sự thất bại trong hợp tác toàn cầu về việc tài trợ, phân phối vaccine, thuốc men và thiết bị bảo vệ cá nhân cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Đây là điều không công bằng và tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn.
Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò của các hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ, bình đẳng. Những điều này cần phải đến từ mối quan hệ bền chặt với cộng đồng địa phương; đầu tư cho nghiên cứu khoa học xã hội, hành vi để phát triển các chiến lược can thiệp, truyền thông sức khỏe hiệu quả hơn; liên tục cập nhật rõ ràng.
11 khuyến nghị
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm yếu khiến Covid-19 trở thành thất bại toàn cầu, nhóm chuyên gia cũng đưa 11 khuyến nghị để chấm dứt đại dịch và chuẩn bị cho những đại dịch khác trong tương lai.
1. Vaccine+: Thiết lập các chiến lược “tiêm chủng +" toàn cầu và quốc gia. Đây là sự kết hợp tiêm chủng đại trà ở tất cả quốc gia, đảm bảo sẵn sàng xét nghiệm và điều trị các bệnh nhiễm trùng mới cũng như Covid-19 kéo dài, đi kèm với biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, nơi làm việc an toàn, hỗ trợ xã hội, tài chính để cách ly.
2. Nguồn gốc của virus: Cần có một cuộc điều tra không thiên vị, độc lập và nghiêm ngặt về nguồn gốc của SARS-CoV-2 - loại virus gây ra Covid-19. Cuộc điều tra này sẽ gồm cả sự lây lan tự nhiên từ động vật hoặc phòng thí nghiệm (nếu có). Điều này là cần thiết để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai và củng cố lòng tin của người dân với khoa học, giới chức.
3. Ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới và duy trì nó là tổ chức hàng đầu về ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trao cho WHO quyền lực quản lý mới, được các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia ủng hộ nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với cộng đồng khoa học toàn cầu và ngân sách cốt lõi nhiều hơn.
Một phụ nữ ở Anh được tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: Matthew Horwood/Getty.
4. Thiết lập một hiệp định đại dịch toàn cầu và tăng cường các quy định y tế quốc tế. Các thỏa thuận mới về đại dịch nên gồm việc tăng cường quyền lực của WHO, tạo ra hệ thống giám sát và giám sát toàn cầu với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. Nó cũng sẽ gồm những quy định về xử lý khách du lịch quốc tế, vận chuyển hàng hóa trong điều kiện đại dịch toàn cầu, xuất bản báo cáo hàng năm của WHO về việc chuẩn bị và ứng phó ra sao với đại dịch toàn cầu.
5. Thành lập Ban Y tế Toàn cầu mới của WHO để hỗ trợ tổ chức này trong việc ra quyết định, đặc biệt là những vấn đề gây tranh cãi. Tổ chức này sẽ gồm những người đứng đầu chính phủ đại diện cho từng khu vực trong số 6 khu vực của WHO và được bầu bởi các quốc gia thành viên của các khu vực đó.
6. Các quy định mới để ngăn chặn đại dịch từ lây lan tự nhiên và các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, để điều tra nguồn gốc của đại dịch. Việc ngăn chặn các tác nhân lây truyền tự nhiên đòi hỏi phải có quy định tốt hơn về buôn bán động vật hoang dã cũng như tăng cường hệ thống giám sát các mầm bệnh (vi sinh vật gây bệnh) ở vật nuôi, con người. Hội đồng Y tế Thế giới cũng nên thông qua các quy định toàn cầu mới về an toàn sinh học nhằm điều chỉnh các chương trình nghiên cứu quốc tế đối phó với các mầm bệnh nguy hiểm.
7. Một chiến lược toàn cầu kéo dài 10 năm của các quốc gia G20 với nguồn tài chính đi kèm, nhằm đảm bảo tất cả khu vực của WHO, gồm các khu vực nghèo hơn trên thế giới, có thể sản xuất, phân phối, nghiên cứu và phát triển vaccine, phương pháp điều trị và các công cụ kiểm soát đại dịch nguy cấp khác.
8. Tăng cường hệ thống y tế quốc gia dựa trên nền tảng sức khỏe cộng đồng và bao phủ sức khỏe toàn dân, dựa trên quyền con người và bình đẳng giới.
9. Thông qua các kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch quốc gia , gồm mở rộng hệ thống y tế công cộng dựa vào cộng đồng, đầu tư vào lực lượng lao động có tay nghề cao, đầu tư vào y tế công cộng và hiểu biết khoa học để tạo "miễn dịch cộng đồng" trong tình trạng thiếu thông tin; đầu tư vào nghiên cứu khoa học xã hội, hành vi để phát triển những biện pháp can thiệp hiệu quả hơn, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, xây dựng trường học và nơi làm việc an toàn, cải thiện việc giám sát, nhất là những biến chủng mới.
10. Thành lập Quỹ Y tế Toàn cầu mới với sự hỗ trợ của WHO, đây sẽ là nơi đầu tư hiệu quả hơn nữa trong công tác chuẩn bị cho đại dịch và hệ thống y tế ở những nước đang phát triển, tập trung vào chăm sóc sức khỏe hàng ngày.
11. Các kế hoạch phát triển bền vững và phục hồi xanh . Đại dịch là trở ngại cho sự phát triển bền vững, vì vậy cần tăng cường tài trợ để đáp ứng các mục tiêu bền vững.
Mở ra cách tiếp cận mới
Theo các vị chuyên gia, để cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch của thế giới, chúng ta cần mở ra cách tiếp cận mới. Điều quan trọng nhất của mọi sự chuyển đổi đó là hợp tác và hướng tới kỷ nguyên hợp tác đa phương.
Các chính phủ ở Australia, New Zealand và nhiều nơi khác đã nói về việc Build Back Better (xây dựng lại tốt hơn). Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại trong vài năm qua và xây dựng khuôn khổ vững chắc hơn. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ từ Covid-19 mà còn ngăn chặn đại dịch tiếp theo hay bất kỳ cuộc khủng hoảng toàn cầu nào trong tương lai.
Bằng cách đánh giá lại và củng cố các thể chế toàn cầu và hợp tác quốc tế, chúng ta có thể xây dựng và tái thiết một tương lai bền vững hơn.