Đau tai khi nuốt thường rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Theo Medical News Today , có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, phổ biến là nhiễm trùng tai, mũi, họng.
Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai thường gây đau, thậm chí rất đau khi nhai và nuốt. Bệnh thường do vi khuẩn hoặc virus gây viêm tai ngoài (hay gặp ở vận động viên bơi lội) và tai giữa. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, phần lớn các trường hợp đau tai khi nuốt thường gặp ở tai giữa hơn vì nó ảnh hưởng đến vòi nhĩ. Đây là bộ phận nối tai giữa với cổ họng trên và khoang mũi, điều tiết áp lực trong tai. Khi nhai nuốt vòi nhĩ giải phóng áp lực gây đau nếu tai bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tai giữa thường gây ra các triệu chứng như sốt, khó ngủ và ngủ ít hơn bình thường, khóc và cáu kỉnh (trẻ em), chán ăn, chảy dịch tai, đau đầu, vấn đề thính lực. Nhiễm trùng tai có thể tự khỏi hoặc phải dùng thuốc, thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Tổn thương tai
Tổn thương tai cũng khiến bạn bị đau khi nuốt. Đẩy tai nghe quá sâu vào trong ống tai hoặc dùng ngón tay, bông ngoáy tai có thể làm tổn thương tai, thủng màng nhĩ gây đau trong tai. Hầu hết các tổn thương ở tai sẽ tự lành. Màng nhĩ bị thủng thường mất vài tháng để chữa lành hoàn toàn.
Tai bị nhiễm trùng hay tổn thương đều làm bạn đau khi ăn uống. Ảnh: Freepik.
Ráy hoặc dị vật trong tai
Đau tai có thể là do dị vật mắc trong tai hoặc ráy tai tích tụ làm tắc nghẽn ống tai . Mọi người dùng thuốc nhỏ tai để làm mềm ráy tai và lấy ra ngoài. Trường hợp ráy tai "cứng đầu" hoặc mắc dị vật trong ống tai bạn cần nhờ đến bác sĩ để lấy chúng ra.
Nhiễm trùng mũi hoặc họng
Ngoài do nhiễm trùng tai thì nhiễm trùng mũi hoặc họng cũng khiến bạn đau đớn và khó chịu ở tai mỗi khi nhai nuốt. Các adenoid (khối tổ chức nằm ở trần vòm họng) gần vòi nhĩ là những mảnh nhỏ của mô miễn dịch, phát triển lớn hơn để đối phó với vi khuẩn xâm nhập vào mũi và miệng. Nếu adenoid phát triển quá lớn đến mức gây tắc nghẽn vòi nhĩ dẫn đến đau tai và đau khi nuốt. Các triệu chứng của nhiễm trùng mũi hoặc họng thường gặp là đau họng trầm trọng hơn khi nuốt; ho; cổ họng đỏ, khô và ngứa; hơi thở có mùi, sưng hạch ở cổ.
Áp xe răng
Nhiễm trùng răng do vi khuẩn gây mủ tích tụ trong răng và nướu gọi là áp xe răng. Tình trạng này gây đau răng là chính, làm bạn nhai nuốt khó nhưng áp xe răng cũng khiến bạn đau tai trong lúc ăn uống. Người bệnh cần đến nha sĩ dẫn lưu mủ và loại bỏ áp xe, làm giảm đau và các triệu chứng khác.
Rối loạn chức năng khớp thái dương - hàm
Rối loạn chức năng khớp thái dương - hàm xảy ra khi khớp xương hàm đến hộp sọ bị tổn thương. Tình trạng này khiến người bệnh bị đau trong tai và đau khi nhai, nói hoặc nuốt. Mọi người có thể điều trị bằng thuốc giảm đau, chườm ấm hoặc lạnh, dùng thuốc chống viêm không steroid và nghỉ ngơi. Bạn nên ngừng nghiến hàm và nghiến răng nếu đây là những vấn đề gây đau khi nuốt.
Đau trong tai khi nuốt đôi khi là một bệnh lý tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng kèm theo, người bệnh nên nhanh chóng khám bác sĩ điều trị. Các triệu chứng như sốt cao, cảm thấy nóng và rung mình, dịch chảy ra từ tai, sưng trong hoặc xung quanh tai, đau tai kéo dài nhiều ngày, mất thính lực, nôn mửa và chóng mặt, đau họng nghiêm trọng hoặc thường xuyên tái phát nhiễm trùng tai. Bạn nên khám bác sĩ ngay nếu cơn đau tai đi kèm với tình trạng bệnh lý như bệnh tiểu đường, bệnh tim, phổi, thận, thần kinh hoặc bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
Mai Cát
(Theo
Medical News Today
)