Một trong những chuỗi siêu thị lớn là Sainsbury’s đang thay thế các nhãn này bằng thông điệp sản phẩm “không ghi ngày tháng giúp giảm lãng phí”.
Táo, chuối, khoai tây, dưa chuột và bông cải xanh là những thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất. Chỉ riêng việc loại bỏ nhãn “sử dụng tốt nhất trước ngày” khỏi các loại thực phẩm này sẽ làm giảm lượng rác thải ước tính khoảng 50.000 tấn mỗi năm.
Tác động của rác thải thực phẩm
Năm 2017, chính phủ Australia cam kết giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm vào năm 2030 khi đưa ra Chiến lược Quốc gia về Chất thải Thực phẩm.
Trung bình mỗi năm Australia thải ra 7,6 triệu tấn rác thực phẩm - tức khoảng 300 kg/người. Trong đó, khoảng 70% những gì chúng ta bỏ đi vẫn có thể ăn được. "Vậy tại sao chúng ta không làm theo ví dụ của nước Anh?", hai chuyên gia Louise Grimmer và Nathan Kilah của Đại học Tasmania nói trên The Conversation . Bà Grimmer là giảng viên cao cấp về Marketing bán lẻ trong khi ông Kilah là giảng viên về hóa học.
Một số người có thể lo lắng về mức độ an toàn thực phẩm. Dù vậy, hai tác giả trấn an rằng hai loại nhãn “sử dụng tốt nhất trước ngày” và “sử dụng trước ngày” vẫn được sử dụng tại Australia. Nhãn “sử dụng trước ngày” sẽ cảnh báo cho bạn biết khi nào thực phẩm không còn an toàn để sử dụng nữa.
Rác thải thực phẩm tiêu tốn 36,6 tỷ AUD/năm tại Australia (tương đương 24,5 tỷ USD ). Sự lãng phí này xảy ra ngay trong chuỗi cung ứng, bao gồm sản xuất chính, sản xuất, phân phối, bán lẻ và khách sạn. Tuy nhiên, các hộ gia đình tạo ra hơn một nửa lượng rác thải, với chi phí trung bình cho mỗi hộ gia đình từ 2.000 đến 2.500 AUD một năm.
Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng hai tác giả tại trường đại học ở Australia đề xuất giải pháp đơn giản như cách mà Anh đã thực hiện: loại bỏ nhãn dán “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Sử dụng nhãn dán "sử dụng tốt nhất trước ngày" khi đóng gói có thể gây lãng phí thức ăn. Ảnh minh họa: Standuppouches .
Phân biệt nhãn dán để sử dụng sản phẩm an toàn
Hệ thống ghi nhãn khá đơn giản nhưng nhiều người tiêu dùng không hiểu sự khác biệt giữa "sử dụng tốt nhất trước ngày" và "sử dụng trước ngày". Sự nhầm lẫn này khiến họ phải vứt bỏ hàng tấn thực phẩm vẫn sử dụng được.
Tại Australia, cơ quan quản lý Tiêu chuẩn Thực phẩm cung cấp hướng dẫn cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng về việc sử dụng sản phẩm theo ngày trên nhãn sản phẩm. Những ngày này cho biết các sản phẩm có thể được bán và lưu giữ trong bao lâu trước khi chúng bị hư hỏng hoặc trở nên không an toàn để sử dụng.
Thực phẩm có nhãn "sử dụng tốt nhất trước ngày" được bán và tiêu thụ hợp pháp sau ngày đó. Những sản phẩm này vẫn an toàn nhưng có thể bị giảm chất lượng.
Các sản phẩm đã qua “hạn sử dụng” sẽ không an toàn, nhà cung cấp có trách nhiệm dán nhãn ngày tháng sử dụng trên sản phẩm.
Sự khác biệt về bao bì và nhãn ghi ngày tháng có thể rất nhỏ. Ví dụ, rau diếp được bán rời hoặc đựng trong hộp nhựa hở không có ngày “sử dụng tốt nhất trước ngày”. Rau diếp đóng gói trong túi kín lại có nhãn này.
Bánh mì là thực phẩm tươi sống duy nhất sử dụng một hệ thống nhãn dán khác có ghi "ngày nướng hôm nay" hoặc "được nướng vào ngày".
Một số thực phẩm như hàng đóng hộp và thực phẩm có thời hạn sử dụng từ hai năm trở lên không cần phải dán nhãn “sử dụng tốt nhất trước ngày”, vì chúng thường giữ được chất lượng trong nhiều năm.
Các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm muốn giữ nguyên hiện trạng nhãn mác, việc đó giúp quản lý kho hàng dễ hơn và khuyến khích doanh thu.
Tại sao phải đóng gói?
Một số bao bì được sử dụng để phân biệt các sản phẩm có thương hiệu như giống trái cây dưới quyền sở hữu của nhà sản xuất, sản phẩm hữu cơ và các loại rau sạch. Sau khi đóng gói, những sản phẩm này phải có nhãn dán "sử dụng tốt nhất trước ngày".
Bao bì nhựa có thể làm tăng thời hạn sử dụng của một số loại rau quả, giúp giảm lãng phí thực phẩm một cách hiệu quả. Thực phẩm như dưa chuột, bọc nhựa giúp kéo dài thời hạn sử dụng từ vài ngày đến hai tuần.
Các loại rau như bông cải xanh và súp lơ có chứa các hợp chất chống ung thư có lợi được gọi là glucosinolate. Bao bì nhựa niêm phong trong khí đặc biệt giúp bảo quản hợp chất này lâu hơn. Tuy nhiên, khi các loại rau được nấu quá chín sẽ làm mất đi lợi ích của việc đóng gói này.
Các chất của trái cây hoặc rau quả sẽ thay đổi ngay khi nó được hái. Một số loại nông sản như chuối và lê được hái sớm để cho chín trong cửa hàng và tại nhà. Các sản phẩm khác như ngô ngọt và đậu Hà Lan sẽ bị giảm hương vị, dinh dưỡng nhanh chóng sau khi được hái. Đông lạnh nhanh là cách bảo quản tốt nhất cho sản phẩm.
Trái cây tươi và rau quả sống khi tế bào còn đầy đủ các phản ứng hóa học và hoạt động của enzym như khi vết cắt quả táo chuyển sang màu nâu hoặc khí ethylene thoát ra từ chuối và các loại trái cây khác có thể làm giảm tuổi thọ của các loại trái cây được xếp cạnh chúng.
Khoai tây, một trong những sản phẩm bị lãng phí nhất được dán nhãn “sử dụng tốt nhất trước ngày” khi được đóng gói trong túi nhựa. Nhưng nếu được bảo quản đúng cách trong điều kiện ánh sáng yếu và trong túi “thoáng khí” (giấy hoặc túi vải gai), khoai tây vẫn “sống” và có thể ăn được trong nhiều tháng. Chỉ cần bạn đảm bảo đã cắt bỏ những phần xanh có chứa chất solanin độc hại.
Cũng như hoạt động tế bào của sản phẩm tươi sống tồn tại vi sinh vật dưới dạng vi khuẩn và nấm, chúng ta được trang bị một số cảm biến hóa học tiến hóa để có thể cảm nhận, nhìn, ngửi và nếm tình trạng của trái cây, rau quả và các sản phẩm khác.
Đóng gói sản phẩm đúng cách giúp kéo dài thời gian sử dụng. Ảnh minh họa: ABC.
Để giảm lãng phí thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo cần kết hợp các phương pháp tiếp cận như dùng bao bì phù hợp, dán nhãn hợp lý và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm của Australia và New Zealand sẽ được cập nhật để phản ánh cách đóng gói thực phẩm tươi.
Trong ngắn hạn, nhận thức và sức mua của người tiêu dùng sẽ đem lại thay đổi lớn nhất. Tự hỏi bản thân những câu hỏi như: có cần một sản phẩm đóng gói, bao bì có nâng cao thời hạn sử dụng hay sẽ mua ít hơn nếu không được đóng gói. Điều này sẽ giúp chúng ta giảm thiểu tối đa tác động của rác thải thực phẩm.