Đã có hơn 190.000 ca mắc, 72 ca tử vong do sốt xuất huyết
SKĐS - Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp. Chuyên gia lưu ý bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm.
Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, ngày 9/9, Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70 điều trị sốc sốt xuất huyết.
Chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền điều trị sốc sốt huyết vào Việt Nam
Trong văn bản do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Lê Việt Dũng ký ban hành, cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue , dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết gồm: Dextran 40, dextran 70, hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton.
Các dịch truyền chứa dextran 40 hoặc dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Do đó, việc cung ứng thuốc phải thông qua hình thức cấp phép nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thuốc gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Dược hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho nước ta.
Mộ trường hợp bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng trên cơ địa béo phì điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: BVCC
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, số bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, số ca nặng tăng nhanh, cuối tháng 8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh gửi công văn sang Cục Quản lý Dược để cung cấp thông tin tổng hợp về nhu cầu sử dụng dịch truyền dextran từ các cơ sở khám chữa bệnh tính đến ngày 31/8.
Đã có 32 đơn vị có công văn đề xuất nhu cầu là 13.708 túi dextran 40 và cam kết nhận hàng. Ngoài ra, 25 đơn vị khác đề xuất với 17.537 túi dextran. Tuy nhiên, thông tin đề xuất của 25 đơn vị này mới chỉ được ghi nhận trên hệ thống dự trù trực tuyến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh mà chưa có công văn dự trù.
Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ như: BV Bệnh Nhiệt đới TW, BV Bạch Mai, BV Hữu nghị, BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa TW Quảng Nam, BV Thống Nhất, BV Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, BV Nhi TW đã có dự trù đề xuất từ 20-100 túi, tuy nhiên chưa có công văn dự trù.
Để kịp thời cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này cũng phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục.
Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu.
-
Dùng ECMO cứu sống bệnh nhân sốt xuất huyết 2 lần ngừng thở
-
Một tuần ghi nhận gần 8.800 ca mắc sốt xuất huyết; Nên và không nên làm gì khi bị bệnh này?
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược để xem xét, giải quyết theo quy định.
Ca mắc sốt xuất huyết tăng 4 lần, nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng do tự ý điều trị tại nhà
Tại nước ta, từ đầu năm đến đầu tuần này, cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong . So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
Tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết vào BV Bệnh Nhiệt đới TW đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng.
Tại nhiều cơ sở y tế ở phía Nam, thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện thì đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch ...
Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.
Sáng 9/9: Bệnh nhân COVID-19 nặng tiếp tục tăng, xử phạt công ty vi phạm chất lượng thuốc 70 triệu đồng
SKĐS - Số ca mắc mới COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng, bệnh nhân nặng cũng tăng lên cùng đó liên tục 7 ngày qua đều ghi nhận bệnh nhân tử vong; Bám sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, sự xuất hiện của các biến chủng mới; Tiếp tục tăng cường truyền thông về phòng chống dịch và tiêm vaccine.