Nguy cơ hôn mê, tử vong vì ngạt khí
Liên quan vụ cháy tại quán karaoke An Phú (TP Thuận An, Bình Dương), theo các chuyên gia, trong lúc xảy ra hỏa hoạn, nhiều người thường có phản xạ chạy vào nhà vệ sinh với tâm lý “có nước làm mát” hoặc “đóng cửa tránh ngọn lửa lan tới”. Tuy nhiên, hành động này được nhận định gây rủi ro rất lớn trong trường hợp người bị nạn mắc kẹt lâu trong đám cháy. Bởi không gian nhà vệ sinh thường được xây kín, ít không khí và không có lối thoát. Kể cả khi có quạt thông gió thì lúc xảy ra cháy cũng không có nguồn điện để quạt hoạt động.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thông thường trong các đám cháy nguyên nhân gây thương vong là khói và khí độc chứ không phải do lửa hay nhiệt, trong đó, CO và CO2 là những khí độc dễ gây tử vong.
Nạn nhân vụ cháy karaoke An Phú đang cấp cứu tại bệnh viện.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, khí CO và CO2 là hai loại khí độc, đều không mùi, không màu, không vị nhưng hấp thu nhanh trong cơ thể. Khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như: Não, tim... Trường hợp nặng, người bệnh có thể hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan khác.
“Hít phải lượng lớn khí độc có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...” - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh - Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, trong các vụ hỏa hoạn, nếu không kịp chạy thoát theo lối thoát hiểm hoặc không đủ thời gian di tản, nạn nhân dễ đối mặt với nguy cơ hôn mê vì ngạt khí. Khi nạn nhân hít phải CO2 nhiều, sẽ gây toan hóa máu, ngưng thở. Nhiều trường hợp nạn nhân bị bỏng đường hô hấp do không khí quá nóng, gây di chứng nghiêm trọng vì mất hết lớp niêm mạc hô hấp, hoặc bụi than bám đầy trong phổi…
Thậm chí, nhiều người có thể tử vong do ngạt, rối loạn chuyển hóa hô hấp, hít các khí thải độc từ đám cháy trong khoảng 5 - 10 phút. Khi dùng khăn ướt, bịt mũi, miệng và thở qua khăn ướt, sẽ giảm lượng khí độc vào phổi. Mục tiêu vẫn là kéo dài thời gian an toàn, tránh ngộ độc, hôn mê trong lúc chờ ứng cứu.
Xử lý, sơ cứu nạn nhân bị ngạt khói đúng cách
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi hỏa hoạn xảy ra, rất nhiều khí độc sẽ được sinh ra như: CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong. Hít phải những loại khí này sẽ khiến cơ thể tiêu hao thể lực nhanh chóng, càng vùng vẫy trong lượng khí này, nạn nhân càng dễ bị tử vong.
Quán karaoke An Phú, nơi xảy ra vụ cháy làm 33 người tử vong.
Để xử lý đúng cách, tránh ngạt khói, loại bỏ nguy cơ tử vong, PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo, khi xuất hiện đám cháy, đầu tiên người dân phải bình tĩnh. Càng mất bình tĩnh, nguy cơ bị ngạt khí và ngộ độc khí càng cao. Khi ở trong đám cháy, người dân phải cố gắng hạn chế hít khói.
Cách duy nhất để sống sót khi xảy ra hỏa hoạn chính là tìm đường thoát thân. Chuyên gia lưu ý, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là người dân cần lấy khăn thấm ướt nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm. Người bị nạn phải cố gắng không hít khói. Chúng ta có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.
Trong trường hợp đưa nạn nhân ra ngoài và có dấu hiệu bị ngạt khói, để giúp nạn nhân tránh nguy cơ tử vong, chuyên gia khuyến cáo cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói. Thông đường thở cho nạn nhân bằng cách hô hấp nhân tạo. Cách thực hiện như sau: Để cổ nạn nhân ngửa và nâng cằm lên. Kẹp mũi lại, áp miệng vào miệng của nạn nhân và thực hiện 2 lần, mỗi lần 1 giây. Theo dõi để đảm bảo ngực nạn nhân vẫn nở ra bình thường. Hô hấp nhân tạo 2 lần sau 30 lần ép tim.
Chiều 7/9, trong cơn mưa nặng hạt, Cảnh sát PCCC&CNCH đã đục tường tiếp cận hiện trường.
Cách thực hiện ép tim: Đặt chồng hai tay lên nhau và đặt trên ngực nạn nhân. Ép tim 30 lần với tần số 100 lần/phút. Ấn sâu khoảng 5cm. Kiểm tra xem nạn nhân đã bắt đầu thở chưa. Lưu ý là không được ấn vào xương sườn. Trong trường hợp xuất hiện thở yếu, tim đập chậm cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ thở oxy cao áp, đẩy CO ra bên ngoài.
Theo thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, để sống sót qua hỏa hoạn, ưu tiên hàng đầu là hít thở qua khăn thấm nước để lọc bớt khí độc. Thay vì trốn vào nhà vệ sinh, người bị nạn được khuyến cáo xác định lối thoát nạn gần nhất để chạy ra khỏi đám cháy. Nếu không còn lối nào hoặc vị trí an toàn, bắt buộc phải băng qua lửa, người mắc kẹt có thể xịt ướt áo, phủ một tấm khăn ướt lên người và bảo vệ cơ quan hô hấp.
Các vị trí được khuyến cáo có thể tạm thời trú ẩn khi không thể thoát ra khỏi đám cháy là ban công, tầng thượng hoặc leo sang mái nhà bên cạnh… từ đó, ra hiệu cho lực lượng cứu nạn. Đây là những nơi có nguồn không khí thoáng sẽ giúp nạn nhân cầm cự được lâu hơn.
Các quán karaoke thường được thiết kế dạng nhà ống với một lối ra vào là cửa chính của tòa nhà. Không gian bên trong quán kín để cách âm, ít lối thoáng, nhiều vật liệu trang trí dễ bắt lửa.
Do vậy, khi xảy ra cháy, ngọn lửa thường lan nhanh, kéo theo hơi nóng khủng khiếp được om phía trong. Đồng thời, nhà vệ sinh cũng được vị này nhận định là nơi không an toàn để trú ấn khi xảy ra cháy. Nơi này kín, ngoài việc nạn nhân dễ bị ngạt, nó còn gây khuất tầm nhìn của lực lượng cứu nạn.
Nguyên tắc khi tìm kiếm cứu nạn là không được để sót dù là góc nhỏ nhất. Tuy nhiên, trong vụ hỏa hoạn, tìm thấy nạn nhân sớm được từng giây, từng phút cũng là yếu tố sống còn. Việc chạy vào nhà vệ sinh khi cháy "không khác gì tự sát".
Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm