Sáng ngày 8/9, Công ty dược phẩm sinh học toàn cầu - AstraZeneca đã tổ chức hội thảo trực tuyến về “Cập nhật dữ liệu và thảo luận về tương lai của vaccine COVID-19 tại châu Á”. Đã có 22 chuyên gia độc lập về bệnh truyền nhiễm từ châu Á và châu Mỹ - Latinh tham gia hội thảo và đánh giá dự liệu về hiệu quả của tiêm mũi vaccine tăng cường.
Theo đánh giá mới được công bố này cho thấy, với bất kỳ một liệu trình tiêm 3 mũi vaccine nào, trong đó có sử dụng vaccine AstraZeneca, đều mang lại hiệu quả bảo vệ cao đối với sự tiến triển bệnh nặng (84,8% - 89,2%). Liệu trình tiêm 3 mũi vaccine có sử dụng vaccine công nghệ mRNA cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ tương tự.
Các tác giả của nghiên cứu đánh giá này cũng kết luận rằng, việc tiêm thêm vaccine mũi bốn (mũi nhắc lại thứ hai) có thể giúp tăng cường mức độ bảo vệ một cách đáng kể. Với kết quả của một nghiên cứu đời thực gần đây thực hiện tại châu Á cho thấy, không ghi nhận bất cứ trường hợp bệnh nặng nào do COVID-19 ở những người được tiêm mũi bốn vaccine AstraZeneca hoặc vaccine theo công nghệ mRNA trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và là một trong những tác giả của chương trình đánh giá, cho biết: “Những dữ liệu đời thực này đã giúp củng cố bằng chứng, tiêm tăng cường là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh gây quá tải hệ thống y tế trong bối cảnh COVID-19 liên tục đột biến. Ghi nhận tại một số bệnh viện gần đây cho thấy, có một số lượng đáng kể các ca bệnh nặng là những người chưa từng tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine chưa đủ. Thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vaccine COVID-19 là khả năng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh nặng và theo đánh giá của chúng tôi, mũi tiêm nhắc lại bằng các vaccine đã được sử dụng rộng rãi nhất vẫn giữ vững tiêu chí này”.
22 chuyên gia độc lập cũng đã kết luận rằng, một chiến lược tiêm nhắc bền vững có thể áp dụng hàng năm với tần suất một năm một lần cho dân số chung và sáu tháng một lần cho các nhóm người dễ bị tổn thương như những người có bệnh mãn tính.
Vaccine của AstraZeneca là vaccine “vector virus”, có nghĩa là sử dụng một phiên bản không có khả năng gây bệnh của virus làm thành phần của vaccine. Vì vậy, nếu sau đó cơ thể tiếp xúc với virus thực sự thì sẽ có khả năng kháng bệnh. Công nghệ vaccine này đã được các nhà khoa học sử dụng trong hơn 40 năm qua để chống lại các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, Zika, Ebola và HIV.