Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết qua kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên các mẫu rau, củ, thủy sản, thịt... thời gian qua cho thấy, một số sản phẩm có chứa chất cấm, kháng sinh, kim loại nặng...
Bữa ăn của người dân TP.HCM cần đảm bảo an toàn
Ngày 15.7, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết qua công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, cho thấy một số mẫu rau, củ, thủy sản, thịt... có chứa chất cấm, kháng sinh, kim loại nặng...
6 năm qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã cấp phép 590 chuỗi thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, thiết lập cơ sở dữ liệu của 1.833 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống tại 22 tỉnh thành cung cấp vào TP.HCM đạt các chứng nhận an toàn GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000, VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ...
Ban Quản lý an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất - kinh doanh đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” gửi kiểm tra. Trong đó, ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.
Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền. Hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống. Hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng, húng cây, rau muống hạt. Hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua. Hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.
Qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối, phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng (hoạt chất carbendazim) với tỷ lệ khá cao.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất, trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm đánh giá, việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả, đặc biệt tại các tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của nông dân chưa được kiểm soát.
Nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép và chưa có quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, sản phẩm thủy sản đánh bắt đang kinh doanh tại chợ đầu mối, có 2 mẫu bạch tuộc phát hiện kháng sinh chloramphenicol và 42 mẫu mực, bạch tuộc phát hiện kim loại cadimi vượt ngưỡng cho phép. Các sản phẩm thủy sản nuôi vẫn xuất hiện mẫu tồn dư kháng sinh cấm sử dụng như: chloramphenicol, ciprofloxacin, enrofloxacin, malachite green và trifluralin.
Nguồn Tin: