Thông tin về số ca mắc hoại tử xương hàm trên sau mắc COVID-19 tăng nhanh tại thời điểm này, đặc biệt là ở TP.HCM, khiến người dân cảm thấy lo lắng, có phần hoang mang, dù các chuyên gia y tế đã cho biết chưa có một nghiên cứu đầy đủ, bằng chứng cụ thể, chính xác nào khẳng định bệnh này có liên quan tới Covid-19.
BS CKII Nguyễn Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho biết, hiện có nhiều người, nhất là những người từng mắc Covid-19 đang rất hoang mang, lo lắng khi biết tin một số bệnh viện tại TP.HCM ghi nhận hàng chục ca mắc bệnh hoại tử xương hàm trên (HTXHT) với bệnh lý phức tạp, chưa có phác đồ điều trị.
Theo BS. CKII. Nguyễn Thanh Sang, từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày, trung tâm này đã tiếp nhận gần 50 lượt người tới khám, trong đó khoảng 2% người bệnh có các triệu chứng: sưng đau vùng má, đau buốt răng…, được chỉ định qua chuyên khoa tai mũi họng để chụp CT.
Một số ca bệnh đang điều trị tại BV Chợ Rẫy và BV Lê Văn Thịnh cùng cho biết họ cảm thấy rất mệt sau 2 tháng điều trị khỏi COVID-19. Trong thời gian trước khi nhập viện điều trị HTXHT, bệnh nhân luôn bị mệt mỏi, xuất hiện một số vết loét ở lợi, vòm họng….
TS BS Trần Anh Bích - Phó khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy - hỏi thăm và chúc mừng các bệnh nhân đã phẫu thuật thành công
Đặc biệt hơn, thông tin từ nhiều bệnh viện cho hay, Khu khám sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 của các Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM), Bệnh viện Quận 12; Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115… gần đây, số lượt người tới khám chữa bệnh hậu COVID-19 tăng 20%-50% so với trước. Nhiều người bệnh bày tỏ vẻ lo lắng, sợ mắc bệnh lý HTXHT.
Tuy nhiên, các bác sĩ động viên người dân không nên quá lo lắng, vì thực tế khám, chữa bệnh cho thấy các triệu chứng hậu COVID-19 chủ yếu khiến bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài, rối loạn tập trung; khó thở, ho; mất ngủ, trầm cảm; đau ngực, đau cơ…
Trước việc TP.HCM ghi nhận số bệnh nhân mắc bệnh HTXHT tăng gần đây cũng đã được Sở Y tế TP.HCM ghi nhận là một vấn đề mới, Sở cho hay sẽ họp bàn với các chuyên gia để tìm rõ nguyên nhân trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã vào cuộc, trước mắt Bộ đề nghị các bệnh viện liên quan khẩn trương báo cáo tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị; lập hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý HTXHT. Đồng thời chỉ đạo, thông tin phải chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất có các biện pháp để người dân chủ động đề phòng, tránh gây hoang mang bất ổn trong xã hội.
Bác sĩ BV Chợ Rẫy cứu chữa nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này hậu COVID-19
Thông tin thêm từ PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - cũng cho rằng, thế giới mới ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh lý HTXHT và chưa có một nghiên cứu đầy đủ, bằng chứng cụ thể, chính xác nào khẳng định bệnh này có liên quan tới Covid-19. Tất cả chỉ là giả thuyết ban đầu dựa trên bằng chứng lâm sàng.
Cụ thể, có 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến HTXHT ở bệnh nhân mắc Covid-19. Giả thuyết thứ nhất, có thể do virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng; làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên. Người mắc Covid-19 gặp tình trạng đông máu, gây tắc mạch máu không nuôi dưỡng tốt xương. Thứ hai, do việc sử dụng thuốc kháng viêm (corticoid). Thứ ba, do tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Cuối cùng là người bệnh bị tiểu đường gây biến chứng mạch máu, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bội nhiễm.
Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa khuyên người sau mắc Covid-19 cần chú ý tới hiện tượng HTXHT khi thấy các dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi, khập khiễng. Đặc biệt, những người mắc Covid-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài điều trị thì nên đi thăm khám ngay.
Bên cạnh đó, để khỏi lo lắng bệnh HTXHT, người lớn tuổi cần kiểm soát tốt bệnh nền (uống thuốc tiểu đường, kháng đông, ung thư đầy đủ); vệ sinh răng miệng kỹ, đúng cách; hạn chế các loại thuốc không cần thiết, dùng kéo dài và cuối cùng là điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn vùng răng miệng.