Măng có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như măng xào, luộc, canh măng, măng ngâm ớt… Nhiều người sau khi ăn măng có hiện tượng đau rát dạ dày, liệu có phải nguyên nhân do măng?
Măng là một nguồn cung cấp protein, carbohydrate, chất xơ và khoáng chất. Măng rất ít chất béo và đường nên nó trở thành món ăn nhẹ lý tưởng cho người bệnh đái tháo đường. Sự dồi dào của lượng chất xơ có trong măng giúp giải quyết các vấn đề đường ruột. Nhiều người cho rằng ăn măng ảnh hưởng đến dạ dày, điều này có đúng không?
Măng nhiều dinh dưỡng và chất xơ.
1. Thành phần dinh dưỡng của măng
Măng tre là phần ăn được của cây tre, thường được luộc, ngâm, nấu hoặc ngâm chua và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Các chồi non thường được gọt vỏ trước khi tiêu thụ, vì vỏ bên ngoài có một kết cấu gỗ, dày và có thể khó nhai.
Măng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và chứa nhiều chất xơ. Một bát (155g) măng đã nấu chín chứa 64 calo, 2,5g, 4,5g, 5g carb, 2g chất xơ…
Trong măng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin E, vitamin B6, thiamin, riboflavin, canxi, magiê, kali, phốt pho, đồng, kẽm, mangan và các khoáng chất quan trọng khác. Đặc biệt, măng chứa nhiều đồng, một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe làn da, chức năng não...
2. Măng có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe
2.1 Có thể làm giảm mức cholesterol
Một số nghiên cứu cho thấy măng có thể giúp giảm mức cholesterol để cải thiện sức khỏe tim mạch do lượng chất xơ dồi dào trong thực phẩm này. Thêm vào đó, với lượng carbohydrate và đường thấp, măng trở thành thực phẩm lý tưởng giúp phòng các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng, tiêu thụ khoảng 360g măng làm giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần và LDL (có hại) sau 6 ngày, so với những người theo chế độ ăn kiêng kiểm soát.
2.2 Tăng cường sức khỏe đường ruột
Theo nghiên cứu trong ống nghiệm, măng cũng hoạt động như một prebiotic, có nghĩa là chúng cung cấp nhiên liệu cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Trong khi đó, hệ vi sinh vật đường ruột có thể đóng một vai trò trung tâm đối với sức khỏe và có thể hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường typ 2, trầm cảm và béo phì.
2.3 Có thể hỗ trợ giảm cân
Măng có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu chất xơ nên là một thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn kiêng giảm cân lành mạnh. Chất xơ có thể giúp làm chậm quá trình trống rỗng của dạ dày để giúp cảm thấy no lâu hơn giữa các bữa ăn.
Hàm lượng đường, calo trong măng không đáng kể. Cùng với tỷ lệ carbohydrate thấp hơn so với các thực phẩm giàu chất xơ khác, măng là thực phẩm giúp giảm cân lý tưởng.
Đối với những người đang có kế hoạch giảm cân, việc tăng lượng chất xơ sẽ thúc đẩy giảm cân và giảm mỡ bụng, ngay cả khi không thực hiện bất kỳ điều chỉnh chế độ ăn uống nào khác.
3. Ăn măng không có lợi cho dạ dày
BSCKI. Hà Duy Cường (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết: Măng tươi có chứa một lượng độc chất cyanide taxiphyllin. Khi chế biến, cần đun luộc kỹ lại, ngâm hoặc sấy khô trước khi chế biến làm giảm đáng kể hàm lượng taxiphyllincó trong măng, khiến chúng trở thành một loại thực phẩm an toàn để tiêu thụ.
Măng chứa nhiều acid cyanhydric (khoảng 230mg trong một kg măng củ). Đây được xem là chất gây hại cho dạ dày nên những người bị đau dạ dày không nên ăn măng.
Những người bị viêm loét dạ dày khi ăn măng sẽ khiến vết loét bên trong lan rộng hơn, khiến cho những cơn đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, nếu không chế biến kỹ, acid cyanhydric cũng chính là nguyên nhân khiến cho một số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn măng.
Người bệnh đau dạ dày nên hạn chế ăn măng.
Dù lượng chất xơ trong măng giúp cải thiện đường tiêu hóa nhưng với những người bị đau dạ dày ăn măng khiến cho việc tiêu hóa càng trở nên khó khăn hơn. Dạ dày lúc này bị nhiều áp lực và cuối cùng dẫn tới những cơn đau dạ dày. Trong khi đó, nếu không được tiêu hóa sớm sẽ gây ra tình trạng tích trữ thức ăn trong dạ dày khiến thức ăn bị lên men, sinh khí và gây ợ chua, đầy bụng… Măng càng già thì chất xơ càng nhiều và càng làm tăng nguy cơ đau dạ dày.
Người đau dạ dày cũng không nên ăn măng muối vì trong các loại măng muối dễ chứa nhiều sinh vật có khả năng lên men. Ăn vào sẽ khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, người bị đau dạ dày nên loại bỏ thực phẩm này trong chế độ ăn của mình.
4. Ăn măng sao cho đúng cách?
Luộc măng trước khi chế biến: Trong măng có nhiều độc tố cyanide, khi tiến vào cơ thể thì các enzyme của đường tiêu hóa sẽ tương tác và biến thành axit cyanhydric (HCN), gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể. Luộc kỹ măng và rửa với nhiều nước sẽ giúp loại bỏ những độc tố trên.
Hạn chế ăn măng tươi: Trong măng có chứa ít lipid, đường, chất béo nhưng lại nhiều chất xơ. Bởi thế, ăn quá nhiều măng sẽ khiến chất xơ trong cơ thể bị dư thừa, dễ gây ứ đọng và bít tắc ruột. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện phẫu thuật vì tắc ruột do ăn quá nhiều măng.
Hạn chế ăn măng ngâm dấm ớt: Măng ngâm dấm ớt làm tăng thêm độ chua và cay của ớt, ăn nhiều có thể gây đau dạ dày, đặc biệt với những người đã có tiền sử bị bệnh thì cơn đau sẽ càng nặng thêm. Đặc biệt, tránh ăn măng chưa ngâm đủ thời gian vì độc tố cyanide trong măng có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo Vân Khanh/SKĐS