Khi bạn đang đấu tranh để giảm cân, lý do thường rõ ràng: bạn ăn quá nhiều, chọn sai thực phẩm và / hoặc tập thể dục không đủ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy mình đang làm mọi thứ ổn thỏa mà số cân vẫn không giảm, thậm chí cân nặng còn tăng lên một cách khó kiểm soát.
Đã đến lúc bạn nên nhìn xa hơn chế độ ăn kiêng và tập thể dục để tìm ra nguyên nhân gốc rễ vấn đề của bạn. Có một số tình trạng bệnh lý có thể khiến việc giảm cân gần như không thể xảy ra, và đây thường là những bệnh khá nghiêm trọng. Vì vậy, nếu bạn đang bị tăng cân không rõ nguyên nhân, hãy hẹn gặp bác sĩ để xem xét kỹ hơn những gì đang xảy ra.
Một số bệnh lý dưới đây có thể khiến cho kế hoạch giảm cân của bạn thất bại, thậm chí còn gây tăng cân.
Tăng cân khó kiểm soát có thể báo hiệu một bệnh lý nguy hiểm.
1. Kháng leptin
Theo Phòng khám Cleveland, leptin là một hormone ức chế sự thèm ăn, giúp điều chỉnh cảm giác đói và cân nặng. Nó liên quan trực tiếp đến lượng mỡ cơ thể bạn có. Bạn càng lưu trữ nhiều chất béo thì càng có nhiều leptin trong máu của bạn. Chúng gửi tín hiệu để điều chỉnh sự thèm ăn để đảm bảo lượng calo tiêu thụ và lượng calo cần thiết của bạn khớp với nhau.
Những người bị kháng leptin không nhận được những tín hiệu hữu ích đó và do đó vẫn cảm thấy cần phải ăn quá nhiều ngay cả khi cân nặng tăng dần.
2. Bệnh thận
Medical News Today cho biết, các vấn đề về thận cũng có thể khiến bạn tăng cân, mặc dù chúng cũng khiến bạn chán ăn. Thận không hoạt động bình thường sẽ không thể loại bỏ chất lỏng cũng như chất thải và khiến chúng tích tụ trong các mô của cơ thể.
Nếu điều này xảy ra, bạn sẽ thấy sưng chủ yếu ở chân, mắt cá chân và bàn chân. Bạn cũng có thể đi tiểu ít hơn và trong nhiều trường hợp, nước tiểu có thể có bọt.
Khi gặp những triệu chứng này kèm theo tăng cân, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.
Phù chân là một biểu hiện của bệnh suy thận.
3. Hội chứng buồng trứng đa nang
Những người bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể nhận thấy tăng cân không giải thích được. Theo Mayo Clinic, tình trạng này được cho là do dư thừa nội tiết tố nam androgen và viêm mức độ thấp và cũng có thể dẫn đến mụn trứng cá, mọc lông bất thường ở lưng, ngực và mặt, hói đầu ở nam giới, có thể có u nang buồng trứng ở phụ nữ. Mặc dù không có cách chữa khỏi tình trạng này, nhưng nó có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và liệu pháp hormone.
4. Trầm cảm
Trầm cảm có thể gây ra một loạt các triệu chứng ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng của bạn. WebMD cho biết, trầm cảm có liên quan đến hormone căng thẳng cortisol, hormone này có thể làm cho mỡ dư thừa tập trung quanh vùng bụng.
Những người bị trầm cảm thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ và năng lượng thấp và có thể tìm đến thức ăn hoặc các chất để giải tỏa, tất cả đều có thể gây tăng cân.
Một số thuốc điều trị trầm cảm cũng có thể gây tăng cân. Nếu bạn đã được chẩn đoán trầm cảm mà cảm thấy tăng cân khi dùng thuốc thì nên báo cáo với bác sĩ điều trị để có phương án thay thế thuốc khác không có tác dụng phụ này.
5. Suy giáp
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết ở cổ điều chỉnh nhiều chức năng tự động của cơ thể, bao gồm sự trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim. Suy giáp xảy ra khi các hoạt động của tuyến giáp chậm lại, gây tăng cân, mệt mỏi, da khô và cảm giác lạnh.
Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, bệnh suy giáp có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và nếu được phát hiện, tỷ lệ điều trị thành công là khá cao.
Suy giáp cũng là một trong những yếu tố gây tăng cân khó kiểm soát.
6. Vấn đề về tim mạch
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tăng cân nhanh chóng là một trong những dấu hiệu hàng đầu của bệnh suy tim. Mặc dù mọi người đều trải qua biến động về cân nặng trong cuộc đời, nhưng việc tăng cân đột ngột có thể là một dấu hiệu cho thấy tim của bạn đang gặp vấn đề.
Suy tim xảy ra khi tim của bạn không thể bơm máu hiệu quả. Các triệu chứng khác bao gồm chóng mặt, đau ngực, nhịp tim không đều, khó thở và sưng ở mắt cá chân, cẳng chân và bàn chân của bạn. Hãy yêu cầu trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn đang gặp các triệu chứng này.
Kiểm soát cân nặng của bạn là một mục tiêu tốt. Nhưng khi bạn không thấy bất kỳ tiến triển nào, đã đến lúc nói chuyện với bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân liên quan đến bệnh lý.
7 rủi ro sức khỏe của việc giảm cân quá nhanh
SKĐS - Nhiều người nôn nóng muốn giảm cân và đã thực hành các phương pháp ăn kiêng giảm cân để giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, việc giảm cân quá nhiều trong một thời gian ngắn có thể mang lại những rủi ro sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm
5 cách uống nước giúp bạn giảm cân khi tập luyện.